Tai nạn pháo ở trẻ em

TAI NẠN PHÁO Ở TRẺ EM

Thạc sĩ BS  Trần Thị Hồng Nhi- Khoa PT Gây mê hồi sức

Cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán đến thì xuất hiện nhiều vụ tai nạn liên quan đến pháo. Từ lâu, Nhà nước ta đã nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân tàng trữ mua bán pháo trái phép, vô ý để cho trẻ con lấy pháo tự đốt gây tai nạn không lường trước được.

Ngày 10/02/2021 (tức ngày 29 tết âm lịch), bệnh viện đa khoa Long An có tiếp nhận trường hợp bé trai 6 tuổi nhặt viên pháo ở ruộng gần nhà và tự đốt. Bé nhập viện trong tình trạng nhiều vết thương ở mặt, ngực và bàn tay. Trong đó vết thương ở bàn tay phải lóc da rộng, dập nát ngón 2, 3, phải phẫu thuật làm mỏm cụt ngón tay trỏ và ngón tay giữa, sau đó phải nhiều lần phẫu thuật cắt lọc, tạo hình.

Trẻ con khoảng lứa tuổi này chưa có ý thức tai nạn do pháo nhưng ham học hỏi. Các cháu thấy người lớn vui khi nghe tiếng pháo thì vui theo và chưa biết cách tránh xa pháo. Những tai nạn thương tật này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ sau này. Nhiều trường hợp trẻ em gặp tai nạn trong quá trình bắt chước, học “chế” pháo theo các video, quảng cáo hướng dẫn trên mạng xã hội trong khi chưa hiểu rõ về các chất hóa học trong thuốc, quy trình vận chuyển cũng như sử dụng pháo nổ cho hoạt động thực tế…

Đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần cũng như di chứng, thương tật sẽ vĩnh viễn để lại trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra. Việc sản xuất và sử dụng các loại pháo tráp phép là thực trạng đáng báo động, gây mất trật tự an toàn xã hội. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và tính mạng con người; là hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP.

Chính vì vậy, quý phụ huynh cần quan tâm tới con mình hơn, đặc biệt là giáo dục trẻ tác hại của pháo nổ và tránh xa pháo nổ, không xem trẻ lớn như người lớn, phải giám sát và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng và tàng trữ pháo. Đồng thời, phụ huynh phải làm gương cho trẻ, tuyệt đối không sử dụng, tàng trữ, mua bán pháo nổ, cảnh báo kịp thời các đối tượng xung quanh mình có sử dụng, tàng trữ, mua bán pháo nổ.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ y tế, Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ mầm non.
  2. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

viTiếng Việt