Đau thắt lưng ở người cao tuổi

ĐAU THẮT LƯNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI

BS CKII Nguyễn Tuấn Quang – Khoa Nội cán bộ – Lão khoa

Đau thắt lưng là một trong những bệnh lý thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày, đau thắt lưng trên lâm sàng có tới gần 80% người đã từng bị tình trạng này trong cuộc đời, gặp ở người lớn cả hai giới, nhất là ở người cao tuổi. Đau thắt lưng phần lớn lành tính, khởi phát sau vài giờ hoặc vài ngày, nhưng có thể do những nguyên nhân phức tạp hơn.

Vị trí vùng thắt lưng được giới hạn bởi phía sau lưng từ cột sống thắt lưng L1 xuống dưới đến giữa hai mông (L5). Cần khai thác đến các đặc điểm của đau thắt lưng để hướng tới nguyên nhân như tính chất đau dữ dội, âm ỉ, từng cơn…; hướng lan của đau lan ra trước hoặc từ trước ra sau, lan xuống dưới (lan xuống mông, đùi và cẳng chân..). Các dấu hiệu kèm theo với đau thắt lưng như tiêu hóa, tiết niệu- sinh dục, toàn thân…

Chia ra làm các loại đau thắt lưng: Đau cấp là đau dưới 6 tuần; đau bán cấp 6-12 tuần; đau mạn tính trên 12 tuần và đau hay tái phát.

Những nguyên nhân chính

Đau mỏi cơ vùng thắt lưng do lao động, luyện tập quá mức; ngồi tàu xe đường xa rung xóc nhiều; ngồi lâu ở một tư thế.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Đau xuất hiện cấp tính sau một động tác mạnh hoặc trái chiều (nâng vật nặng, các động tác thể thao…); dấu hiệu thường gặp là đau từ thắt lưng lan xuống mông, mặt sau đùi, có thể đến bàn chân, có rối loạn cảm giác tê bì (dấu hiệu đau thần kinh tọa). Muốn xác định tình trạng thoát vị đĩa đệm cần phải chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ vùng cột sống thắt lưng.

Hình ảnh MRI thoát vị đĩa đệm

Thoái hóa cột sống: Thoái hóa là tình trạng già-lão hóa của cột sống, thoái hóa cột sống được xác định bằng hình ảnh X quang, như mọc gai, mỏ xương, cầu xương ở hai bên thân đốt sống… tuy nhiên bất cứ người cao tuổi nào ít nhiều đều có dấu hiệu X quang thoái hóa. Đau thắt lưng do thoái hóa thường mức độ ít, đau âm ỉ, tăng khi vận động nhiều, giảm khi nghỉ ngơi.

Hình ảnh X quang thoái hóa cột sống thắt lưng

Loãng xương: Đau thắt lưng do loãng xương hay gặp ở phụ nữ sau khi mãn kinh; đau kèm dấu hiệu gù hoặc còng lưng. Cần đo mật độ xương để xác định.

Đau do bệnh tiết niệu – sinh dục: Đau từng cơn, đau xiên ra phía trước, đau thắt lưng thường kèm theo các rối loạn tiểu tiện như đái buốt, đái rắc, đái khó, đái ra máu; rối loạn kinh nguyệt…

Do các bệnh lý đường tiêu hóa: Thường đau phía trước bụng lan ra sau lưng và kèm theo dấu hiệu của dạ dày, túi mật- đường mật (ợ hơi, ợ chua, vàng da…)

Các bệnh khác: Các bệnh cột sống có tổn thương thực thể như viêm, nhiễm khuẩn, khối u…đều gây đau và hạn chế động tác cúi ngửa; muốn xác định cần dựa vào thăm khám, chụp X quang, cắt lớp, cộng hưởng từ.

Điều trị

Điều trị không dùng thuốc: Nghỉ ngơi hoàn toàn khi đang đau cấp; Vật lý trị liệu: Bài tập thể dục, chườm nóng, xoa bớp; châm cứu, bấm huyệt; tia hồng ngoại; siêu âm trị liệu, liệu pháp suối khoáng, bùng nóng, có thể kéo dãn cột sống bằng dụng cụ (nếu do thoát vị đĩa đệm)

Thuốc bôi ngoài da, cao dán: Dùng ngày 1 – 2 lần tránh dùng nhiều lần và kéo dài gây bỏng da

Thuốc giảm đau: Chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức y tế thế giới như thuốc paracetamol, paracodein, tramadol, morphin. Ví dụ: dùng paracetamol viên 0,5g liều từ 2-6 viên/ngày; paracodein 2-4 viên/ngày; Ultracet 2-4 viên/ngày; tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

Thuốc chống viêm không steroid: Chọn một trong các thuốc sau. Lưu ý tuyệt đối không phối hợp thuốc trong nhóm vì không tăng tác dụng điều trị mà lại có nhiều tác dụng phụ.

Diclofenac viên 50mg x 2 lần/ngày hoặc viên 75mg uống 1 viên/ngày sau ăn no có thể sử dụng ống dạng tiêm bắp 75mg/ngày trong 2-4 ngày đầu khi đau nhiều, sau đó chuyển sang uống.

Meloxicam viên 7,5mg x 2 lần/ngày hoặc viên 15mg uống 1 viên/ngày sau ăn no hoặc tiêm bắp ống 15mg dùng 1 ống/ngày 2-4 ngày đầu khi đau nhiều, sau đó chuyển sang uống.

Piroxicam viên hay ống 20mg, uống 1 viên/ngày hoặc tiêm bắp ngày 1 ống trong 2-4 ngày đầu đau nhiều sau đó chuyển sang uống.

Celecoxib viên 200mg uống 1 đến 2 viên/ngày sau ăn no. không nên dùng cho người có tiền sử tim mạch và thận trọng hơn ở người cao tuổi.

Etoricoxib có thể dùng 60-90-120mg/ngày, thận trọng ở người có bệnh lý tim mạch.

Thuốc dãn cơ: Chọn một trong các thuốc sau Myonal 50mg x 3lần/ngày, Mydocalm viên 50mg 2- 6 viên/ngày, Contramyl viên 4mg uống 2-4 viên/ngày

Kết hợp thuốc an thần, thuốc ức chế trầm cảm khi cần thiết: Amitryptylin viên 25mg 1-2 viên/ngày uống vào buổi tối.

Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Glucosamin sulfate và chondroitin sulfate (Viartril-S 1500mg/ngày); Diacerein (artrodar 50mg) 1-2 viên/ngày.

Trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau sau: Gabapentin viên 300mg uống 2-3 viên/ngày; Pregabalin 75mg uống 2-4 viên/ngày.

Tránh nằm giường nệm quá cứng hoặc quá mềm

Đai cố định thắt lưng: Có loại nữa cứng, có loại cứng, đeo ban ngày khi làm việc, tháo ra khi ngủ

Phẩu thuật: Khi các trường hợp đau cột sống thắt lưng do thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau thần kinh tọa kéo dài hoặc có hẹp ống sống đặc biệt các trường hợp đau nhiều có dấu hiệu chèn ép rễ nặng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống mà các biện pháp nội khoa không kết quả.

Phòng bệnh

Những động tác nên tránh: Tất cả những động tác tạo gánh nặng quá mức cho cột sống đều nên tránh như: không nâng vật nặng với gối thẳng (nên gấp gối khi nâng để dùng lực toàn thân nâng); không xách vật nặng một bên ( xách chia đều 2 bên); không vác nặng bằng vai.

Những phương pháp điều trị nên tránh: Dùng thuốc chống viêm kéo dài dễ gây rối loạn tiêu hóa; đắp thuốc quá nhiều gây bỏng da; cứu cháy da; ấn huyệt tác động cột sống quá mạnh.

Những luyện tập có lợi cho cột sống: Bơi thường xuyên, các bài tập cột sống tăng cường cơ vùng lưng và cơ bụng; tập thể dục, yoga…

Hình ảnh vận động giúp người cao tuổi phòng tránh đau thắt lưng

Tóm lại

Đau thắt lưng là bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng phần lớn là đau mỏi cơ do lao động, tập luyện quá mức trên cơ sở có thoái hóa cột sống.

Đau thắt lưng kèm theo dấu hiệu của đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm cột sống. điều trị bằng vật lý trị liệu, kéo dãn cột sống và các thuốc chống viêm, giảm đau, dãn cơ, nếu thoát vị chèn ép nhiều nên can thiệp bằng phẩu thuật.

Phòng bệnh tập luyện đều đặn, làm việc đúng tư thế, tránh thừa cân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

viTiếng Việt