LỒI XƯƠNG HÀM (TORUS)

LỒI XƯƠNG HÀM (TORUS)

 BS Đinh Ngọc Thảo – Khoa RHM

Torus khẩu cái và torus hàm dưới đã là một vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm lưu ý từ thế kỷ 19. Tuy lồi xương này không được xem như là một biến đổi bệnh lý nhưng vẫn đặt ra vấn đề khi nó phát triển quá lớn làm ảnh hưởng đến các chức năng nhai, nuốt nói và làm cản trở điều trị phục hình.

  1. Định nghĩa

 Lồi xương hàm (Torus) là lồi xương đặc không phải khối u, hình tròn, nhẵn, lành tính, phát triển chậm , có thể có ở cả hai hàm. Vị trí thường gặp ở hàm trên là đường giữa của vòm miệng. Vị trí thường gặp ở hàm dưới là phía lưỡi của xương hàm dưới vùng ranh nanh va răng cối nhỏ. Thường Torus phát triển từ nhỏ nhưng chỉ khi lớn hơn bệnh nhân mới phát hiện ra, gây cảm giác lo sợ, và kích thước ngưng lại sau khi đã phát triển.

Torus hàm trên (ở vòm khẩu)
Torus hàm dưới vùng răng nanh và răng cối nhỏ

2. Dịch tễ

-Torus là biến dạng thường gặp của xương khẩu cái, thường xuất hiện và phát triển sau tuổi 30 (có thể sớm hơn) sau nhiều năm thì ngưng phát triển

-Ở Việt Nam 75% dân số có Torus hàm trên trong miệng. Tỷ lệ có Torus khẩu cái ở nữ là (73%) cao hơn so với nam ( 61,1%)

-Ở Việt Nam dân số có Torus hàm dưới có tỷ lệ thấp chiếm 3.6% dân số. Tỷ lệ này ở nam (4,8%) nhiều hơn nữ (3%).

Hơn nữa tỷ lệ nam vừa có Torus hàm trên vừa có Torus hàm dưới cao gấp đôi nữ

3. Nguyên nhân

– Di truyền ( chiếm 70%): Chủng người, giới tính, gia đình.

-Môi trường ( chiếm 30%):

+ Chế độ ăn: Người Việt Nam cùng với các nhóm dân khác như Nhật Bản, Thái Lan đều thường xuyên dùng đồ biển trong các bữa ăn hằng ngày, mà các thực phẩm này rất giàu Vitamine D (chủ yếu trong gan cá)  và acid béo y3-polinsatures (thường có trong mỡ cá). Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự hiện diện của Vitamine D làm tặng sự hiện diện của một loại protein cảm ứng tạo xương. Còn Acid béo y3-polinsatures là chất quan trọng có tác dụng kích thích quá trình tăng trưởng xương và phát triển của Protein TGF (Tumor Growth Factor),  thành phần của protein này chứa đựng BMP (Bone Morphogenetic Protein), đây cũng là loại protein làm kích thích sự tạo xương. Vì vậy, tần suất xuất hiện torus khá cao

+ Quá tải lực: Sở dĩ Torus hàm dưới xuất hiện ở nam nhiều hơn ở nữ là do nam có cơ hàm khỏe hơn nữ. Lực nhai có xu hướng đẩy các chóp răng cối nhỏ hàm dưới hướng vào phía lưỡi, điều này làm kích thích sự tăng sinh lớp xương ở phía trong xương hàm dưới. Một số tác giả cho rằng, Torus hàm dưới xuất hiện là một dấu hiệu của tình trạng quá tải lực nhai trong quá khứ hoặc trong hiện tại, nhất là có liên quan với nghiến răng.

4. Đặc điểm lồi xương

4.1 Lồi xương hàm trên (vòm miệng)

Lồi xương hàm trên (vòm miệng) có đặc điểm sau:

-Vị trí ở đường giữa vòm miệng.

-Gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi

-Phát triển chậm

-Khối xương có nhiều múi, niêm mạc mỏng.

-Có thể cản trở hàm giả, nói, vệ sinh răng miệng.

-Có thể loét kéo dài (VD: khi hàm giả không phù hợp) và gây viêm xương

4.2 Lồi xương hàm dưới

Lồi xương hàm dưới có đặc điểm:

-Ở hai bên mặt trong hàm dưới (vùng răng nanh và răng cối nhỏ).

-Phát triển chậm, nhiều thùy.

-Có thể cản trở hàm giả, nói, vệ sinh răng miệng.

-Khi loét khó liền

5. Điều trị

Không cần điều trị trừ khi quá to gây khó chịu hoặc khó lắp hàm giả.

Nếu cần điều trị thì phẩu thuật lấy bỏ toàn bộ u.

Phẩu thuật cắt Torus hàm trên

Tài liệu tham khảo 

Sách Bệnh Lý và Phẩu Thuật hàm mặt Trường Đại học Y Hà Nội Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt (PGS. TS Lê Văn Sơn) Tập 1.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

viTiếng Việt