ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH NHA CHU VÀ SỨC KHỎE TOÀN THÂN
ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH NHA CHU VÀ SỨC KHỎE TOÀN THÂN
BS CKI Huỳnh Như – Khoa RHM
Tổng quan:
Bệnh nha chu là một bệnh viêm nhiễm mạn tính hỗn tạp đa yếu tố ảnh hưởng đến 10 – 15% dân số trên thế giới. Bệnh dẫn đến sự phá hủy của nướu và mô nâng đỡ răng làm giảm chất lượng cuộc sống do hạn chế chức năng ăn nhai, ảnh hưởng thẩm mỹ và cuối cùng gây mất răng. Từ đầu thế kỉ 21, Tổ chức y tế thế giới cũng như nhiều cơ quan có thẩm quyền về sức khỏe răng miệng quốc qia chính thức kêu gọi cảnh giác về ảnh hưởng của tình trạng viêm nhiễm mô nha chu đối với một số bệnh hệ thống như bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp , đái tháo đường, hay nguy cơ biến chứng phụ nữ mang thai…

Cơ chế ảnh hưởng:
Tình trạng viêm nhiễm của mô nha chu có thể nhẹ và hiện diện trong thời gian dài mà không được chú ý và điều trị, nhưng có thể gây những chuỗi phản ứng ảnh hưởng đến toàn thân. Hiện nay các nghiên cứu đã xác định tình trạng viêm và nhiễm khuẩn của mô nha chu có thể ảnh hưởng sức khỏe toàn thân như sau:
1. Phát tán vi khuẩn và tuần hoàn: Khi có sự phá hủy của thành biểu mô của túi nha chu do viêm, các vi khuẩn gây bệnh nha chu bị đẩy vào tuần hoàn máu để đến những cơ quan xa. Khi hệ miễn dịch bị khiếm khuyết thì tình trạng du khuẩn này sẽ kéo dài và là cơ chế đầu tiên giải thích mối liên quan giữa bệnh nha chu và bệnh toàn thân.
2. Phát tán những hoạt chất viêm: một số hoạt chất viêm được sản xuất tại chỗ đi vào tuần hoàn và phát tín hiệu đến các cơ qua ở xa, dẫn đến sự phóng thích một lượng đáng kể các chất trung gian viêm ảnh hưởng toàn thân như C- reactive protein (CRP), fibrinogen và nhiều loại cytokine
3. Hít /nuốt vào hệ tiêu hóa và hô hấp: những enzym và cytokines viêm trong nước bọt tăng cao trong tình trạng viêm nhiễm mô nha chu được hít , nuốt vào có thể làm thay đổi bề mặt niêm mạc tiêu hóa và hô hấp, làm thuận lợi cho sự bám dính của vi khuẩn tham gia gây nhiễm trùng phổi, loét dạ dày, hoặc có thể kích hoạt các phản ứng viêm mạn tính làm tổn hại các niêm mạc này.
Bệnh nha chu và một số bệnh toàn thân:
1. Bệnh nha chu và bệnh hô hấp
Viêm nhiễm mô nha chu có liên quan đến bệnh hô hấp đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phổi. Ở bệnh nhân nằm viện lâu ngày hoặc có đặt ống thông nội khí quản, những vi khuẩn thường trú trong miệng như Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, Enterobacteriacae có thể bị hít vào gây viêm phổi. Ngoài ra, các hoạt chất viêm ở mô nha chu đi vào nước bọt và bị hít vào đường hô hấp tham gia vào quy trình khởi phát các bệnh hô hấp mạn tính và hen suyễn.
Bệnh nha chu và bệnh hô hấp :
2. Bệnh nha chu và biến chứng sinh non, nhẹ cân:
Khi có tình trạng viêm tại chỗ hay toàn thân, sự phóng thích prostaglandin, TNF-a, IL-1, IL6 gia tăng trong dịch ối có thể làm vỡ màng ối, khởi động sinh non. Gần đây, Fusobacterium nucleatum đã được tìm thấy trong nhau thai có thể tham gia trực tiếp vào cơ chế sinh non.
3. Bệnh nha chu và bệnh tiểu đường:
Mối liên quan hai chiều giữa viêm nha chu và Đái tháo đường (ĐTĐ), đã được xác định từ hơn 50 năm nay: ĐTĐ được công nhận là yếu tố nguy cơ của viêm nha chu, ngược lại viêm nha chu được xem là biến chứng thứ sáu của ĐTĐ.
Bệnh nha chu dễ xảy ra và nặng hơn ở người bị ĐTĐ và ngược lại tình trạng đường huyết khó kiểm soát hơn khi có bệnh nha chu tiến triển. TNF-a được phóng thích có tác dụng làm tăng đề kháng với insulin trong bệnh tiểu đường típ 2, làm cho sự kiểm soát đường huyết kém đi.
4. Bệnh nha chu và bệnh tim mạch:
Tình trạng viêm nhiễm mô nha chu có thể gây phát tán vi khuẩn và hoạt chất viêm, tham gia vào cơ chế hình thành mảng xơ vữa, tăng nguy cơ tạo huyết khối dẫn đến nhồi máu ở tim và tai biến mạch máu não.
Trong mảng xơ vữa còn có sự hiện diện của nhiều vi khuẩn gây bệnh nha chu như Prevotella intermedia, Porphyromonas gingivalis, Tannerella forsythensis được tìm thấy ở 40 % các mảng xơ vữa động mạch cảnh. Ngoài ra, P.gingivalis còn có khả năng kết tập tiểu cầu, tham gia vào quá trình tạo huyết khối.
Ứng dụng vào thực hành RHM:
Hiểu được mối liên qua giữa bệnh nha chu và bệnh toàn thân, ngành RHM cần thay đổi những quy trình chẩn đoán và điều trị theo mô hình “ y học răng miệng”.
Đầu tiên cần đánh giá sức khỏe toàn thân với các dấu hiệu sinh tồn qua hỏi bệnh và thăm khám để giúp phát hiện những yếu tố nguy cơ của các bệnh toàn thân, chẳng hạn như: tuổi (>40 tuổi), cao huyết áp, hút thuốc, béo phì, tình trạng vệ sinh răng miệng kém ở phụ nữ có thai.
Bệnh nhân sẽ được giải thích hiểu rõ tại sao tình trạng bệnh nha chu có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, khó kiểm soát đường huyết hoặc gây những biến chứng thai kỳ. Giúp bệnh nhân ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng.
Hiện nay trong quá trình điều trị , bên cạnh việc loại bỏ viêm nhiễm bằng các phương pháp thường quy, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn về lối sống lành mạnh như ngừng hút thuốc, thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng, có chế độ dinh dưỡng cân bằng, theo dõi đường huyết đều đặn…