Cách chăm sóc trẻ bệnh tiêu chảy cấp tại nhà

CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỆNH TIÊU CHẢY CẤP TẠI NHÀ

Nguyễn Phước Lộc – P.KHTH

Tiêu chảy cấp ở trẻ em thường do virus, vi khuẩn hoặc kí sinh trùng gây ra. Trong đó, Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Đây là virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, có thể sống hàng giờ ở trên bàn tay và trên các bề mặt rắn. Đặc biệt, rotavirus có thể sống ổn định và gây ra bệnh khi sống trong phân 1 tuần.

Tiêu chảy cấp thường có những biểu hiện điển hình như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng và dễ mất nước, có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong.

Bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, thường phân bố ở các nước có khí hậu ôn đới và bệnh xảy ra theo mùa, nhất là vào mùa đông. Còn ở những nước nhiệt đới, bệnh xảy ra quanh năm. Phần lớn trẻ em mắc bệnh tiêu chảy cấp thể không mất nước được bác sĩ cho chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà. Để giúp trẻ bệnh mau hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy cấp. Phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc điều trị sau đây:

  1. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường:

Nếu trẻ còn bú mẹ cần cho bú nhiều và lâu hơn vì sữa mẹ cung cấp một lượng nước đáng kể. Trẻ lớn hơn từ 6 tháng – 5 tuổi có thể bù nước cho trẻ bằng đường uống bất cứ loại nước uống nào mà trẻ thích uống như: nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường… Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần có thể vừa bị mất nước vừa bị mất muối khoáng. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống thêm dung dịch Oresol (còn gọi là ORS hay nước biển khô) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói với lượng từ 50ml – 100ml tùy theo độ tuổi của trẻ. Tuyệt đối không nên cho trẻ uống những loại nước không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nước giải khát chứa nhiều đường ngọt hoặc có nhiều bọt hơi như sô đa, 7 up, sá xị, pepsi, Cocacola… Vì sẽ làm bệnh tiêu chảy trầm trọng hơn.

  1. Tiếp tục cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết:

Trẻ còn đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú thường xuyên hơn để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ (bú mẹ ít nhất 8 lần mỗi ngày). Khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục được duy trì bằng những loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng giúp trẻ dễ tiêu mà mau lành bệnh như cháo dinh dưỡng, súp nóng, sữa bột các loại theo từng lứa tuổi của trẻ. Ở những trẻ khó khăn trong ăn uống như trẻ bị nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ. Giúp trẻ có thể nhận đủ lượng thức ăn cần thiết. Sau khi hết tiêu chảy nên cho trẻ ăn nhiều hơn để trẻ “hồi phục lại dinh dưỡng”.

  1. Bổ sung cho trẻ lượng kẽm cần thiết:

Nhân viên y tế khuyến cáo cha mẹ bổ sung cho trẻ một lượng kẽm cần thiết. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã khẳng định sử dụng liệu trình ngắn hạn điều trị tiêu chảy bằng chất kẽm 10 – 20mg mỗi ngày. Trong 10 – 14 ngày đã làm giảm mắc bệnh tiêu chảy trong vòng 2 – 3 tháng tiếp theo. Khi trẻ bị tiêu chảy, việc sử dụng chất kẽm nhất thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ.

  1. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị:

Những trường hợp tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn phải có sự chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh nên tuân thủ những hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng theo khuyến cáo của bác sĩ. Phụ huynh không nên tự ý tăng, giảm liều thuốc kháng sinh hoặc tự ý mua kháng sinh về điều trị cho trẻ. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị bệnh cho trẻ sau này. Nặng nề hơn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc rất nguy hiểm cho trẻ.

  1. Theo dõi sát diễn biến bệnh:

Ngoài ra, phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến bệnh tiêu chảy của trẻ như; số lần đi tiêu chảy, tính chất phân, tình trạng sốt, việc ăn uống, sinh hiệu… Người thân cần đưa trẻ trở lại ngay cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện trẻ có một trong các biểu hiện sau:

– Trẻ bú kém.

– Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.

– Trẻ bị sốt cao liên tục 39 độ C – 40 độ C.

– Trẻ khát nước nhiều.

– Trẻ đi phân có máu.

– Trẻ lừ đừ, mệt mỏi.

– Trẻ nôn ói quá nhiều./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

viTiếng Việt