Chăm sóc bệnh nhân Viêm cầu thận cấp
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN VIÊM CẦU THẬN CẤP
Nguyễn Phước Lộc – P.KHTH
Viêm cầu thận cấp là biểu hiện lâm sàng của một thương tổn viêm cấp của những cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp. Viêm cầu thận cấp rất hiếm xảy ra trước 2 tuổi, thường gặp ở trẻ từ 3 đến 8 tuổi, trẻ nam thường gặp hơn trẻ nữ. Tỷ lệ nam/nữ khoảng 2/1.
Viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là một hội chứng gọi là hội chứng cầu thận cấp. Lý do là vì bệnh cảnh lâm sàng thường giống nhau nhưng tổn thương mô bệnh học lại đa dạng, bệnh phát sinh không chỉ do sau nhiễm liên cầu mà có thể sau nhiễm tụ cầu, phế cầu, virus hay do dị ứng một số chất. Hội chứng viêm cầu thận cấp còn biểu hiện thứ phát ở các bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, ban dạng thấp, viêm quanh nút động mạch. Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu thường gặp ở trẻ em và tiên lượng tốt hơn ở người lớn.
Chăm sóc bệnh nhân viêm cầu thận cấp
- Chăm sóc cơ bản:
- Đặt bệnh nhân nghỉ ngơi, nằm ở tư thế đầu cao.
- Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động. Các đồ dùng cá nhân của bệnh nhân phải để ở nơi thuận tiện dễ sử dụng, hạn chế đi lại nhiều. Việc nghỉ ngơi tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, đặc biệt căn cứ vào lượng nước tiểu:
* Dưới 300 ml/24 giờ, cho bệnh nhân nghỉ tuyệt đối tại giường và kê đầu cao.
* Từ 300 – 500 ml/24 giờ, bệnh nhân có thể đi lại khi cần thiết.
* Từ 500 ml/24 giờ, bệnh nhân có thể đi lại và làm những việc nhẹ nhàng.
- Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân, không dùng nước lạnh tắm hay rửa tay chân vì người bệnh có thể dễ bị viêm cầu thận do lạnh khi bệnh nhân đang bị nhiễm liên cầu.
- Chế độ ăn và nước uống:
* Nước uống: cần căn cứ vào tình trạng phù, nếu phù ít chỉ xuất hiện ở mắt cá hay ở mi mắt thì lượng nước đưa vào kể cả ăn và uống trong ngày khoảng 500ml và cộng thêm với lượng nước tiểu trong 24 giờ. Nếu bệnh nhân bị phù nhiều thì lượng nước đưa vào kể cả ăn và uống khoảng 300 ml cộng với lượng nước tiểu trong ngày.
* Lượng đạm: căn cứ vào tình trạng ure máu có ở trên bệnh nhân, nếu:
+ Ure máu dưới 0.5 g/l có thể cho bệnh nhân ăn nhiều đạm thực vật, ít đạm động vật. Số lượng đạm đưa trong một ngày vào khoảng 0.25 g/kg trọng lượng cơ thể.
+ Ure máu từ 0.5 g/l đến 1 g/l, nên dùng đạm thực vật, không dùng đạm động vật và lượng đạm đưa vào trong ngày ít hơn 0.25 g/kg trọng lượng.
+ Ure máu trên 1 g/l chế độ ăn chủ yếu là glucid và một số acid amin cần thiết.
* Muối: hạn chế lượng muối đưa vào khoảng dưới 1 g/ngày, cần chú ý các trường hợp phù nhiều và tình trạng tăng huyết áp ở bệnh nhân. Hạn chế các chất có nhiều kali nhất là chuối và cam khi bệnh nhân có tình trạng tăng kali máu hay lượng nước tiểu trong ngày ít hoặc bệnh nhân có suy thận.
* Vệ sinh hàng ngày cho bệnh nhân: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân. Áo, quần, vải trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ. Nếu có ổ loét trên da phải rửa sạch bằng nước oxy già hoặc xanh methylen.
- Theo dõi bệnh nhân:
- Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và cân nặng (để đánh giá tình trạng phù). Chú ý tình trạng huyết áp.
- Số lượng và màu sắc nước tiểu.
- Một số chỉ số xét nghiệm: protein niệu, hồng cầu niệu, điện tim, siêu âm, ure và creatinin máu.
- Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân:
- Để bệnh nhân và gia đình biết về tình hình bệnh tật.
- Các biến chứng có thể xảy ra khi bị viêm cầu thận cấp.
- Để bệnh nhân biết về chế độ nghỉ ngơi và sinh hoạt.
- Cần có chế độ ăn, uống thích hợp.
- Có chế độ nghỉ ngơi và làm việc thích hợp.
- Tránh lạnh.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chú ý răng, miệng, da và tai mũi họng.
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng.
- Đăng ký theo dõi và định kỳ tái khám.