Chăm sóc người bệnh tràn dịch màng phổi

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TRÀN DỊCH MÀNG PHỔI

CNĐD Nguyễn Thị Thanh Bình – Khoa Nội phổi thận

Tràn dịch màng phổi (TDMP) là bệnh thường gặp trong các bệnh lý của bộ máy hô hấp. TDMP là tình trạng tích tụ dịch trong màng phổi, rất hiếm khi tiên phát mà thường thứ phát sau một bệnh khác. Chẩn đoán xác định TDMP thường không khó lắm, nhưng tìm nguyên nhân gây bệnh rất khó, khoảng 30% TDMP không tìm được nguyên nhân. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân và diễn tiến bệnh mà dịch màng phổi có nhiều tính chất khác nhau về màu sắc: trong, vàng chanh, đục, mủ, đỏ máu, trắng đục…; về sinh hoá: dịch thấm, dịch tiết, máu…về tế bào: bạch cầu đa nhân, bạch cầu lympho, hồng cầu, tế bào nội mô; về vi trùng và các tính chất khác. TDMP chiếm tỷ lệ khá cao so với các bệnh đường hô hấp, điều trị nội khoa nhiều lúc không hiệu quả, để lại nhiều biến chứng và di chứng lâu dài, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Ngày nay, nhờ có nhiều loại kháng sinh tốt và mạnh nên hạn chế phần nào tỷ lệ tử vong và giảm nhẹ biến chứng.

Tiến triển và biến chứng

Tiến triển bệnh tùy theo nguyên nhân

Do vi khuẩn thường khỏi hẳn.

Do lao tiến triển chậm, dễ để lại di chứng dày dính màng phổi.

Tràn dịch màng phổi mủ tiến triển chậm và dễ để lại di chứng dày dính màng phổi.

Tràn dịch dưỡng chấp tiến triển nhanh, bệnh nhân chóng suy kiệt.

Tràn dịch màng phổi do ung thư tiến triển rất nhanh, nếu do ung thư màng phổi tiên phát thì tiến triển chậm hơn.

Biến chứng

Suy hô hấp cấp.

Suy tuần hoàn cấp.

Tai biến do các thủ thuật chọc hút dịch màng phổi.

Bệnh nhân bị choáng, trụy tim mạch, bội nhiễm phổi và phù phổi cấp.

Thực hiện chăm sóc bệnh nhân TDMP:

Chăm sóc cơ bản

– Cần nâng cao thể trạng vì khi bị bệnh thể trạng quá suy sụp do vậy chế độ ăn phải giàu protein, giàu vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi, đảm bảo đủ năng lượng.

– Giữ buồng bệnh yên tĩnh, thoải mái để bệnh nhân nghỉ ngơi được nhiều.

Làm giảm sự đau đớn khó chịu của bệnh nhân:

– Đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái nhất, thông thường đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao 20-40 độ, nằm nghiêng về phía tràn dịch.

– Phải hết sức nhẹ nhàng khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế cho người bệnh, đặc biệt đối với bệnh nhân có ống dẫn lưu.

– Tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân không phải gắng sức: để các đồ dùng ở vị trí trong tầm tay của bệnh nhân. Giúp bệnh nhân những công việc mà họ không tự làm được hoặc họ phải gắng sức.

Làm giảm sự lo lắng của bệnh nhân:

– Thiết lập mối quan hệ tin tưởng, gần gũi và an ủi động viên người bệnh.

– Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh tật, quá trình diễn biến, giải thích cho bệnh nhân hiểu về những thủ thuật cần can thiệp để điều trị.

– Khuyến khích bệnh nhân đặt những câu hỏi và bày tỏ sự sợ hãi, lo lắng của họ về bệnh tật. Giải thích cho bệnh nhân hiểu hoặc cùng với bác sĩ hay nhân viên y tế khác giải thích cho bệnh nhân.

Thực hiện y lệnh

– Thực hiện thuốc giảm đau hoặc phòng ngừa đau theo y lệnh (không dùng thuốc ngủ vì thuốc ngủ làm ức chế hô hấp).

– Cho bệnh nhân thở oxy nếu cần thiết.

– Chăm sóc và thực hiện các y lệnh khi bệnh nhân sốt cao.

– Thực hiện những phương pháp hô hấp đặc biệt.

– Giúp bệnh nhân làm sạch đường hô hấp để chống xẹp phổi, viêm phổi (khuyến khích bệnh nhân tập thở sâu, ho mạnh).

– Chuẩn bị dụng cụ phụ giúp bác sĩ chọc tháo dịch màng phổi (nếu có chỉ định) giúp bệnh nhân dễ thở hoặc để lấy dịch làm xét nghiệm…

– Chuẩn bị bệnh nhân và thực hiện các xét nghiệm: X quang, công thức máu, dịch màng phổi…

Theo dõi

– Các dấu hiệu sinh tồn: nhịp thở, nhiệt độ, mạch, huyết áp.

– Theo dõi biểu hiện suy hô hấp cấp: khó thở dữ dội, tím tái, kích thích vật vã.

– Theo dõi biểu hiện đau ngực của bệnh nhân.

– Theo dõi cách ho và các dấu chứng kèm theo ho.

– Theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn và đề phòng nhiễm khuẩn.

– Theo dõi dấu hiệu nhiễm khuẩn tại chỗ (vết chọc dò, chân ống dẫn lưu nếu bệnh nhân có đặt ống dẫn lưu).

– Theo dõi ống dẫn lưu xem có bị tắc hay bị kẹp ở vị trí nào không.

– Theo dõi dịch dẫn lưu về: số lượng, màu sắc, tính chất…

– Thường xuyên đánh giá hiệu quả điều trị và chăm sóc. Nếu có những dấu hiệu bất thường phải báo ngay để bác sĩ biết.

Giáo dục sức khỏe

– Giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu về tình trạng bệnh lý, những kết quả mong chờ và phương pháp điều trị tiếp.

– Giải thích cho bệnh nhân hiểu về tầm quan trọng của luyện tập thở sâu, tập làm giãn nở phổi. Cùng với bệnh nhân xây dựng một chương trình về luyện tập hô hấp để phục hồi và tăng cường chức năng hô hấp, phòng tránh biến chứng (dính màng phổi, xẹp phổi…).

– Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu, tập ho. Hướng dẫn, giải thích, động viên và khuyến khích họ vì bệnh nhân đau không dám thở sẽ làm giảm sự trao đổi khí.

– Hướng dẫn và khuyến khích bệnh nhân thực hiện chương trình hồi phục nâng cao sức khỏe bằng chế độ ăn uống tốt, nghỉ ngơi và vận động hợp lý.

– Hướng dẫn bệnh nhân những biện pháp phòng ngừa để không bị mắc lại hoặc không bị mắc phải bệnh gây nên tràn dịch màng phổi hoặc những bệnh có thể đưa đến tràn dịch màng phổi.

– Khuyên bệnh nhân đi khám bệnh nếu thấy có dấu hiệu bất thường về hô hấp.

– Nếu bệnh nhân cần tiếp tục điều trị tiếp sau khi ra viện thì phải hướng dẫn bệnh nhân về cách sử dụng thuốc.

– Hãy dành thời gian nhất định để bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đặt những câu hỏi, bày tỏ những mối quan tâm của họ. Sau đó phải giải thích và cung cấp những thông tin cần thiết đáp ứng nhu cầu của họ./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

viTiếng Việt