Chuyên đề: Tim bẩm sinh

                                       Chuyên đề

TIM BẨM SINH

Bác sĩ CK 2 Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng khoa nội tim mạch

Câu hỏi : Cháu tôi mới đẻ ra bị tím, vậy có phải bị bệnh tim bẩm sinh không? Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không?

Trả lời:

Biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh rất đa dạng, tím có thể là một trong các biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh. Tím xuất hiện do bão hòa nồng độ oxi trong máu động mạch giảm. Để khẳng định chắc chắn con bạn có bị bệnh tim bẩm sinh hay không, bạn nên đưa cháu đến những trung tâm tim mạch nhi khoa có nhiều kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị bệnh tim cho trẻ em. Các trung tâm tim mạch nhi khoa sẽ có một đội ngũ gồm những bác sỹ tim nhi khoa, các bác sỹ can thiệp có kinh nghiệm về tim bẩm sinh, phẫu thuật viên về tim và lồng ngực, các chuyên gia về hồi sức nhi khoa và điều dưỡng viên chuyên chăm sóc cho bệnh nhân trẻ em.

Các dị tật tim bẩm sinh khá hiếm gặp. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không biết nguyên nhân gì gây ra các dị tật tim đó. Đừng cho rằng có một đứa con mang dị tật tim bẩm sinh là lỗi của cha mẹ.

Đôi khi nếu người mẹ bị nhiễm vi rút trong những tuần đầu của thai kỳ thì đứa trẻ cũng có thể mang những dị tật lớn. Ví dụ, nếu một bà mẹ bị nhiễm sởi Đức (rubella) trong thời kỳ mang thai thì vi rút có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tim của thai nhi hoặc có thể gây ra những bất thường về cấu trúc của các cơ quan khác. Những bệnh do vi rút khác cũng có thể gây các dị tật bẩm sinh.

Yếu tố di truyền đôi khi đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành các dị tật tim bẩm sinh. Có thể có nhiều đứa trẻ trong cùng một gia đình cùng mắc dị tật bẩm sinh nhưng điều này là rất hiếm khi xảy ra. Có những đột biến đặc biệt ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau, ví dụ như hội chứng Down (“hội chứng Đao”), có thể thấy đứa trẻ có khuôn mặt điển hình của bệnh, trí tuệ thường chậm phát triển và thường có các dị tật tại tim. Tình trạng người mẹ dùng thuốc không có chỉ định của bác sỹ, uống rượu, các thuốc “đường phố” và tiếp xúc với các hoá chất độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật) trong thời kỳ mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh con mắc dị tật tim…

Còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sự hình thành phát triển của tim và vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu. Sự thật rằng chúng ta vẫn còn biết rất ít về nguyên nhân của hầu hết các dị tật tim bẩm sinh.

Câu hỏi: Bệnh tim bẩm sinh là nguy hiểm có đúng không? Có những loại bệnh tim bẩm sinh nào?

Trả lời:

Đúng, tim bẩm sinh là một bệnh lý khá nặng ở trẻ sơ sinh. Bất thường trong hoạt động của hệ thống tim mạch ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan khác và đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào loại dị tật tim bẩm sinh trẻ mắc. Ngày nay, nếu con của bạn sinh ra có dị tật ở tim thì cơ hội dị tật được giải quyết và đứa trẻ có thể phát triển bình thường là rất lớn. Những tiến bộ gần đây trong chẩn đoán và can thiệp điều trị đã có thể sửa chữa rất nhiều thể dị tật thậm chí là cả những dị tật mà trước đây đã coi là không thể làm gì được. Những tiến bộ về Tim mạch can thiệp và Phẫu thuật tim mạch đang tiếp tục phát triển mạnh, phạm vi các dị tật có thể được sửa chữa sẽ ngày càng mở rộng.

Phân loại dị tật tim bẩm sinh rất phức tạp; một cách thường được áp là cách chia bệnh tim bẩm sinh có tím và không có tím…. Trong quá trình phát triển bào thai bình thường, các cơ quan sẽ hình thành dần và thường hoàn thiện vào cuối tháng thứ ba của quá trình thai nghén. Vì một lý do nào đó sự phát triển của tim không diễn ra bình thường dẫn đến sai lệch về cấu trúc và chức năng gọi là dị tật tim bẩm sinh.

Những dị tật này có thể đơn độc như có các lỗ thông trong tim giữa hai ngăn của tim phải và trái (ví dụ: thông liên nhĩ, thông liên thất); còn tồn tại ống động mạch; bị hẹp các van tim; teo tịt các van tim… Tuy nhiên, khá nhiều trường hợp là có sự kèm theo nhiều dị tật cùng một lúc như tứ chứng Fallot. Cũng có khi dị tật là một sự đảo ngược các gốc động mạch lớn gây ra sự hỗn loạn toàn bộ của hệ thống tuần hoàn.

Hầu hết các dị tật tim thường khá đơn giản hoặc có thể chữa được khỏi nếu được phát hiện sớm. Tuy vậy, có một số dị tật bẩm sinh nặng có thể làm đứa trẻ chết ngay khi sinh ra hoặc chết rất sớm nếu không được can thiệp ngay từ thời kỳ bào thai.  

Câu hỏi: Con tôi bị nghi là bệnh tim bẩm sinh? Tôi phải làm gì đây?

Trả lời:

Khi con bạn bị nghi là bệnh tim bẩm sinh bạn nên đưa con bạn đến những trung tâm có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và điều trị bệnh tim cho trẻ em. Họ sẽ có một đội ngũ gồm những bác sỹ tim nhi khoa, các bác sỹ can thiệp có kinh nghiệm về tim bẩm sinh, phẫu thuật viên về tim và lồng ngực, các chuyên gia về hồi sức nhi khoa và điều dưỡng viên chuyên chăm sóc cho bệnh nhân trẻ em. Hiện nay, các viện, bệnh viện chuyên khoa có thể chẩn đoán và can thiệp hoặc phẫu thuật tim cho trẻ em đều có ở cả 3 miền đất nước. Hãy thảo luận với bác sỹ của bạn về kinh nghiệm của đội ngũ bác sỹ chuyên khoa, về các dịch vụ của các bệnh viện đó trước khi quyết định lựa chọn nơi bạn gửi gắm con bạn để điều trị.

Câu hỏi: Con tôi được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, hãy chỉ cho tôi cách chăm sóc cháu và chung sống với bệnh?

Trả lời:

Đầu tiên, bạn cần đưa cháu đến các trung tâm tim mạch nhi khoa để chẩn đoán xác định bệnh và xác định phương pháp điều trị triệt để bệnh tim bẩm sinh của cháu. Trong chăm sóc cháu, có một số lưu ý như sau:

Sự phát triển của bé

Bình thường, khi trẻ được 4 – 5 tháng tuổi, cân nặng của trẻ sẽ tăng cân gấp đôi lúc sinh. Nhưng những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh có suy tim sung huyết hoặc có tím thì thường tăng cân chậm hơn. Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng từ 250 đến 300 gram mỗi tháng là có thể chấp nhận được.

Một số yếu tố liên quan đến dị tật tim bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ bao gồm:

Chán ăn

Nhu cầu năng lượng cao

Tim đập nhanh

Thở nhanh

Giảm oxy máu

Giảm hấp thu thức ăn do thở nhanh và mệt mỏi

Giảm hấp thu chất dinh dưỡng từ ống tiêu hoá

Nhiễm trùng hô hấp thường xuyên (viêm phế quản, viêm phổi)

Sự phát triển của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền hoặc gen. Một số bệnh như hội chứng Down (ba nhiễm sắc thể số 21) có hình dạng biểu đồ tăng trưởng khác. Nguyên nhân phố biến nhất khiến trẻ tăng trưởng chậm là trẻ không ăn đủ năng lượng và chất dinh dưỡng. Nhưng thậm chí là nếu như con bạn có vẻ dùng đủ sữa bột hoặc sữa mẹ thì vẫn có thể tăng cân rất chậm do nhu cầu năng lượng tăng hơn bình thường. Bé cần được cân mỗi tháng một lần hoặc khi bạn đưa bé đi khám. Những con số cân nặng này sẽ cho biết mức độ tăng trưởng của bé.

Cho trẻ ăn như thế nào?

Nuôi bằng sữa mẹ hay bổ sung thêm sữa bột đều tốt cho trẻ mắc bệnh tim nhưng một điều quan trọng là bạn cần linh hoạt trong phương pháp và thời điểm cho ăn. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sỹ có thể cần đặt một ống thông nhỏ từ mũi xuống dạ dày của bé để cho ăn thông qua đường này (ăn qua sonde).

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường cần ăn tăng bữa. Trẻ thường có biểu hiện mệt trong khi ăn, do đó cho ăn từng bữa nhỏ nhưng tăng số bữa ăn sẽ tốt hơn cho trẻ. Đầu tiên, cho bé ăn mỗi 2 giờ và khi đó bạn có thể phải đánh thức bé dậy vào ban đêm vài lần để cho ăn cho đến khi bé có thể ăn được lượng sữa lớn và thưa lần hơn. Một số trẻ sơ sinh lại dung nạp tốt khi kết hợp nuôi bằng sữa mẹ và bổ sung thêm sữa bột.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nếu con bạn được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh trước hay ngay sau khi sinh, có thể trẻ cần được đưa vào khu điều trị đặc biệt và bạn có thể không được chăm sóc cho bé ngay sau khi sinh. Khi đó bạn nên bắt đầu vắt sữa trong vòng 12 đến 24 giờ đầu sau sinh để duy trì lượng sữa của mình. Trong tuần đầu tiên, bạn nên vắt mỗi 2 đến 3 giờ một lần. Khi lượng sữa của bạn đã tiết ổn định, bạn có thể giảm xuống 4 đến 5 lần một ngày. Nếu con bạn cần phải phẫu thuật, bạn có thể tự vắt sữa để duy trì việc tiết sữa trong thời gian con bạn không thể bú.

Trẻ cần ăn mỗi lần bao nhiêu là đủ?

Mỗi trẻ sơ sinh là một cá thể độc lập và chúng rất khác nhau trong nhu cầu ăn uống. Đừng cố so sánh lượng sữa con bạn bú với lượng sữa mà những đứa trẻ khác bú. Mục tiêu nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có bệnh tim bẩm sinh là duy trì cân nặng. Hầu hết trẻ sẽ tăng 15 đến 30 gram một ngày. Tuy nhiên, những trẻ mắc bệnh tim thường có xu hướng tăng cân chậm hơn.

Lựa chọn loại sữa bột

Có rất nhiều loại sữa bột khác nhau với thành phần khác nhau nhưng các nhà sản xuất đều cố gắng để chúng có công thức gần giống với sữa mẹ nhất có thể. Bác sỹ của bạn có thể khuyên bạn nên chọn loại sữa nào là thích hợp nhất với bé.

Lựa chọn bình sữa/núm vú

Hiện nay có rất nhiều loại bình sữa và núm vú nhân tạo. Bạn sẽ có thể phải mất vài lần thử nghiệm với các loại bình sữa và núm vú nhân tạo trước khi tìm được loại nào là phù hợp nhất với bé. Một số trẻ mắc bệnh tim sẽ gặp khó khăn với những loại núm vú thông thường. Bạn có thể cần tìm một loại vú giả mềm hơn hoặc có các lỗ rộng hơn để sữa có thể chảy dễ dàng hơn. Những lỗ nhỏ trên núm vú có thể làm cho con bạn khó bú và bé có thể nuốt phải nhiều hơi khiến trẻ dễ nôn. Bạn có thể tự làm rộng lỗ trên vú giả bằng cách dung kim vô khuẩn chọc vào để mở rộng các lỗ đó. Trước mỗi lần sử dụng, bạn nên luộc bình và núm vú trong nồi khoảng 5 phút và để cho khô hoàn toàn trước khi sử dụng. Bạn cũng nên nhờ các điều dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa đánh giá về thói quen ăn của con bạn cũng như cho lời khuyên để có thể có một chế độ ăn phù hợp với con bạn.

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm

Bác sỹ sẽ cho bạn biết khi nào con bạn cần ăn dặm. Ăn dặm thường bắt đầu vào khoảng tháng thứ sáu. Ngũ cốc bổ sung sắt thường được dùng đầu tiên, sau đó là hoa quả, rau và thịt. Nên cho trẻ ăn bằng thìa. Không nên cho trẻ ăn quá đặc và trẻ có thể khó nuốt.

Các bậc cha mẹ đôi khi nghĩ rằng trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần một chế độ ăn đặc biệt ít chất béo giống như chế độ ăn ít chất béo dành cho người lớn mắc bệnh tim. Trên thực tế, vì trẻ mắc bệnh tim thường chán ăn nên thức ăn giàu dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thêm dinh dưỡng cho trẻ. Đừng giới hạn chất béo trong khẩu phần ăn của bé đặc biệt trong hai năm đầu. Điều này sẽ giúp cho trẻ phát triển và tăng trưởng tốt. Đó là lý do mà các loại sữa nghèo chất béo (2%, 1% hoặc loại không béo) không được khuyến cáo cho đến khi trẻ từ hai tuổi trở lên.

Những cách để tăng cường dinh dưỡng cho con bạn

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường cần được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn những đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, những trẻ này lại thường ăn kém nên không đủ năng lượng để phát triển. Nếu con bạn lên cân quá chậm và lượng sữa ăn mỗi ngày không thể tăng dần theo tiến trình bình thường thì khi đó bác sỹ sẽ tư vấn cho bạn cách tăng lượng dinh dưỡng cần thiết. Bạn có thể gặp các bác sỹ nhi khoa hoặc các chuyên gia về dinh dưỡng để biết làm cách nào cô đặc hoặc làm tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sữa cho trẻ.

Hãy cho trẻ đi khám định kỳ

Khám sức khoẻ định kỳ là rất quan trọng với mọi đứa trẻ, đặc biệt là với những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Nếu biết cách chăm sóc, trẻ mắc dị tật tim cũng có thể tránh được những bệnh thông thường ở trẻ nhỏ một cách an toàn như những đứa trẻ bình thường khác. Con bạn không cần phải dung thuốc kháng sinh mỗi khi bị bệnh chỉ bởi bé mắc dị tật tim bẩm sinh.

Cho dù đã được can thiệp phẫu thuật hay chưa, trẻ cũng cần được khám định kỳ và được tiêm chủng đúng lịch. Hơn nữa, trẻ còn cần được tiêm chủng bổ sung để tránh mắc các bệnh phổ biến như tiêm phòng cúm.

Để chắc chắn rằng bé đang phát triển tốt thì việc khám sức khoẻ nói chung và tình trạng tim mạch nói riêng đều đặn là rất quan trọng. Thường thì sau khi được chẩn đoán xác định bệnh tim hoặc sau phẫu thuật tim, con bạn cần được khám lại thường xuyên hơn (hàng tuần hoặc hàng tháng) còn sau đó, số lần khám lại có thể thưa hơn (3 – 6 tháng/ lần). Tuỳ thuộc vào mức độ bệnh của bé mà bác sỹ sẽ chỉ định các xét nghiệm trong mỗi lần khám. Những xét nghiệm này bao gồm:

Xét nghiệm máu

Điện tâm đồ tiêu chuẩn

Điện tâm đồ 24 giờ (Holter điện tim)

Chụp X-quang ngực

Siêu âm Doppler tim

Thông tim chẩn đoán (chỉ khi rất cần thiết)

Phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập vào dòng máu đến bám vào các lớp màng tim, van tim hoặc thành mạch tạo thành những ổ vi khuẩn (cục sùi).

Những trẻ có dị tật tim có nguy cơ cao mắc biến chứng này. Do đó, phòng ngừa VNTMNK là rất quan trọng. Bạn cần hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào máu. Trong trường hợp trẻ bị thương hoặc khi cần làm các thủ thuật có thể gây chảy máu, trẻ cần được dùng kháng sinh dự phòng đầy đủ.

Để phòng VNTMNK, con bạn cần được dùng kháng sinh một hoặc hai giờ trước thủ thuật. Những thủ thuật, phẫu thuật cần được dự phòng VNTMNK bao gồm:

  • Cắt amidal, cắt hạch.
  • Phẫu thuật đường tiêu hoá, sinh dục hoặc tiết niệu.
  • Khám răng có nguy cơ gây chảy máu (lấy cao răng, nhổ răng).
  • Bạn có thể hỏi các bác sỹ tim mạch nhi khoa kỹ hơn về vấn đề phòng VNTMNK. Loại kháng sinh và liều lượng cần sử dụng sẽ được thay đổi tuỳ theo cân nặng, dị tật của con bạn và loại thủ thuật hoặc phẫu thuật sắp làm.

Về vấn đề hoạt động thể lực của trẻ

Hầu hết trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh có thể sinh hoạt hay vui chơi bình thường, chỉ trừ một số hoạt động đòi hỏi gắng sức nhiều hoặc các môn thể thao mang tính chất thi đấu đối kháng. Trong thực tế, trẻ được động viên tham gia vào các hoạt động thể chất để giúp cho trái tim thích nghi tốt và trẻ có thể tận hưởng cuộc sống. Trẻ có thể tham gia vào một số hoạt động có lợi cho sức khoẻ như bơi, đi xe đạp, chạy, nhảy dây và chơi cầu lông.

Học tập và nhu cầu giáo dục đặc biệt

Học hành là điều rất quan trọng với mọi trẻ em. May mắn thay, hầu hết mọi trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh đều có thể đi học bình thường. Sự phát triển thể chất và tinh thần của hầu hết các trẻ này thường không ảnh hưởng nhiều đến việc trẻ có thể tham gia đầy đủ chương trình học tập của nhà trường. Trong một số ít trường hợp đa dị tật, có những trẻ mang dị tật tại tim đồng thời chậm phát triển trí tuệ. Những trẻ này sẽ cần một chương trình giáo dục đặc biệt. Các cháu có thể được đưa đến các bệnh viện nhi khoa có những trung tâm tư vấn có kinh nghiệm để đánh giá mức độ phát triển thể chất và tinh thần của trẻ và từ đó, tìm ra những chương trình giáo dục phù hợp. Ở một số nơi, những trường học riêng dành cho các em có nhu cầu giáo dục đặc biệt có thể giúp trẻ tiếp nhận được kiến thức. Ngoài ra, có nhiều trường hợp dù trí tuệ của trẻ phát triển đúng theo mức bình thường nhưng có các dị tật phối hợp tại những cơ quan khác. Khi đó, sự phối hợp và giúp đỡ từ phía nhà trường có thể giúp trẻ hoà nhập với môi trường giáo dục chung. Ví dụ như trẻ có dị tật chân hoặc tay có thể được sắp xếp học tại các lớp ở tầng một để hạn chế việc phải leo cầu thang, những trẻ có dị tật về mắt hoặc thính lực giảm có thể được sắp xếp chỗ ngồi phù hợp, …

Về vấn đề hướng nghiệp

Phần lớn những người mắc dị tật tim bẩm sinh thường không bị hạn chế trong việc lựa chọn công việc. Nhiều thanh niên mắc dị tật tim có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Với một số người, khả năng gắng sức cũng có thể bị hạn chế hoặc có khả năng chịu đựng thấp. Khi đó, họ cần được tư vấn kỹ trước khi lựa chọn việc làm.

Câu hỏi: Bệnh thông liên thất là gì? Điều trị như thế nào?

Trả lời:

Thông liên thất (TLT) là bệnh tim bẩm sinh hay gặp nhất sau dị tật bẩm sinh ở van động mạch chủ, và chiếm khoảng 25% các bệnh tim bẩm sinh. Trẻ bị dị tật này thường chậm lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí sớm.

Các loại TLT

Có rất nhiều cách phân loại giải phẫu bệnh về TLT khác nhau được đặt ra nhưng nhìn chung lại có 4 loại chính về giải phẫu bệnh là:

– TLT phần quanh màng.

– TLT phần cơ hay TLT ở gần mỏm tim.

– TLT phần buồng nhận hay TLT kiểu ống nhĩ thất.

– TLT phần phễu hay TLT dưới van động mạch chủ hoặc dưới van động mạch phổi.

Điều trị bệnh bằng những biện pháp nào?

 Do tiến triển của các thể TLT rất đa dạng nên việc chỉ định điều trị cần dựa trên các yếu tố: tuổi, huyết động, tổn thương giải phẫu bệnh và đáp ứng với điều trị nội. Điều trị thông liên thất có 3 biện pháp chủ yếu: điều trị nội khoa kết hợp theo dõi, phẫu thuật tim hở, can thiệp đóng thông liên thất qua đường ống thông.

Các biện pháp nội khoa được áp dụng đối với các trường hợp TLT có tăng áp động mạch phổi nhiều ở trẻ nhỏ cần được điều trị bằng lợi tiểu, trợ tim và giảm tiền gánh trước khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật và các trường hợp chưa phẫu thuật (hoặc không cần phẫu thuật) cần phòng biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (rất dễ xảy ra với các trường hợp TLT).

            Đóng lỗ thông qua da bằng dụng cụ hiện nay có thể chỉ định ở các trường hợp TLT lỗ nhỏ phần cơ, ở mỏm hoặc sau NMCT có biến chứng. Tương lai, nhiều loại dụng cụ đang được nghiên cứu để đóng TLT phần quanh màng – bệnh bẩm sinh có tần suất gặp cao nhất.

 Điều trị ngoại khoa cũng là biện pháp được các bác sĩ chỉ định, phụ thuộc và vị trí và kích thước lỗ thông.

Câu hỏi: Bệnh thông liên nhĩ là gì? Điều trị như thế nào?

Trả lời:

Thông liên nhĩ (TLN) chiếm khoảng từ 5% đến 10% các trêng hợp tim bẩm sinh. Bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới: tỷ lệ gặp ở nữ so với nam là 2 so với 1.

Đại đa số các bệnh nhân TLN không có triệu chứng cơ năng mà chỉ có các triệu chứng lâm sàng rất kín đáo do đó thường bị bỏ sót chẩn đoán cho đến tuổi trưởng thành.

Đối với các trường hợp TLN không được điều trị triệt để, các bệnh nhân sẽ dần dần có các triệu chứng lâm sàng. Lâu dài các bệnh nhân sẽ biểu hiện các dấu hiệu của sự quá tải buồng tim phải như rối loạn nhịp nhĩ (tăng dần nguy cơ theo tuổi của bệnh nhân), tăng áp động mạch phổi và tăng sức cản mạch phổi, cuối cùng hậu quả tất yếu là dẫn đến suy tim xung huyết. Việc tồn tại lỗ thông liên nhĩ cũng là một yếu tố thuận lợi dẫn đến tắc mạch nghịch thuờng.

Có bốn dạng thông liên nhĩ thông thường: TLN kiểu lỗ thứ hai, TLN kiểu lỗ thứ nhất, TLN kiểu xoang tĩnh mạch và TLN thể xoang vành.

Điều trị

Các phương pháp điều trị bao gồm: nội khoa, ngoại khoa và thông tim can thiệp (bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da)

  1. Điều trị nội khoa: được áp dụng cho các bệnh nhân chưa có chỉ định mổ hoặc quá giai đoạn chỉ định mổ.

– Nếu chưa có chỉ định mổ: cần theo dõi bệnh nhân định kỳ, không cần điều trị bằng thuốc. Nếu bệnh nhân có các tổn thương phối hợp, ví dụ rãnh xẻ ở van hai lá hoặc có sa van hai lá: cần có biện pháp phòng viêm nội tâm mạc.

– Theo dõi lâm sàng, Siêu âm tim cho các bệnh nhân 6- 12 tháng/lần.

– Trong các trường hợp bệnh nhân đến muộn điều trị triệu chứng tăng áp ĐM phổi (bằng các thuốc nhóm Nitrat, chẹn canxi: diltiazem, Sildenafil, Bosantan, Ilomedin), điều trị suy tim (trợ tim, lợi tiểu…). Ngoài ra cần chú ý đến điều trị các loạn nhịp tim mà chủ yếu là các rối loạn nhịp nhĩ (NTT nhĩ, nhịp nhanh trên thất, rung nhĩ…), chống đông máu nếu có tình trạng tăng đông trong buồng tim, có huyết khối tĩnh mạch (nguy cơ tắc mạch nghịch thường) hoặc đó có tiến sử tắc mạch do cục máu đông (tai biến mạch nóo, tắc mạch chi…).

  1. Điều trị ngoại khoa: mổ vá lỗ TLN dưới trợ giúp của máy tim phổi nhân tạo.

– Chỉ định:

Tất cả các trường hợp TLN không phải lỗ thứ phát đều có chỉ định mổ: TLN lỗ thứ 1, lỗ xoang vành, lỗ TMC duới…

TLN có luồng thông lớn (lưu lượng qua van ĐM phổi lớn hơn nhiều so với lưu lượng qua van ĐM chủ: Qp/Qs >1, 5 lần). Chỉ định phẫu thuật ở những bệnh nhân có lỗ thông lớn và có ảnh hưởng tới huyết động (thất phải giãn, tăng áp lực động mạch phổi…) hoặc có các biến chứng của bệnh (rối loạn nhịp tim, tắc mạch nghịch thường…)

– Một số chú y đặc biệt: :

Vấn đề tuổi: ở một số ít trường hợp, TLN có thể tự đóng, do vậy không nên can thiệp ở trẻ dưới 1 tuổi nếu trẻ không suy tim, không tăng áp ĐM phổi nhiều. Lý tưởng, nên mổ khi trẻ đó đủ lớn, lúc 3- 4 tuổi nhưng không nên để muộn vỡ ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng các cấu trúc, chức năng tim. ở người lớn, nếu phát hiện ra bệnh, vẫn nên mổ đóng lỗ TLN khi áp lực và sức cản ĐM phổi chưa quá cao (sức cản ĐM phổi/sức cản ĐM chủ < 0, 7), độ bão hòa oxy động mạch >92%.

Đường mổ: Nếu bệnh nhân là nữ giới đến tuổi trưởng thành (đó hình thành đường giới hạn của vú) nên phẫu thuật theo đường bên dưới nếp lằn vú bên phải để bảo đảm tính thẩm mỹ cho BN. Có thể áp dụng đường mổ tối thiểu nếu bệnh nhân là nam giới hoặc chưa đến tuổi trưởng thành. Một số trung tâm phẫu thuật lớn trên thế giới cũn áp dụng đường mổ sau bên cho các trường hợp này.

  1. Can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ: khi thông tim phải, người ta bít lỗ TLN bằng 1 thiết bị đặc biệt (giống chiếc ô nhỏ). Viện Tim mạch Việt nam đó bước đầu áp dụng kỹ thuật này từ 10/2000. Đến nay đó có hơn 1000 bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp hiệu quả này.

– Chỉ định:

TLN lỗ thứ phát, các loại TLN khác (lỗ thứ nhất, xoang TM, xoang vành…) không bít được bằng dụng cụ qua da.

Tương tự như chỉ định phẫu thuật, nhưng chỉ áp dụng được với những lỗ thông kích thước không quá lớn (<40 mm) và phải có các gờ xung quanh mép lỗ TLN đủ rộng (>4 mm) (riêng gờ ĐMC có thể không có) để thiết bị bít có đủ chỗ bám.

Với những lỗ thông nhỏ, luồng thông nhỏ, ít có ảnh hưởng tới huyết động, ý kiến cũn chưa thống nhất: có tác giả đề nghị bít tất cả các lỗ thông liên nhĩ dù nhỏ (kể cả loại lỗ bầu dục thông (PFO – patent foramen ovale) để tránh các tắc mạch nghịch thường – paradoxical embolization, có tác giả thì không đồng ý.

Tất cả các bệnh nhân sau bít TLN được dùng Aspirin 6 tháng và phòng viêm nội tâm mạc trong vũng 1 năm.

  1. Tiến triển sau điều trị

Nếu lỗ TLN đóng sớm thì thường trẻ nhỏ sẽ khỏi hẳn. Chỉ cần theo dõi và khám định kỳ trong khoảng 3 năm. Các buồng tim sẽ nhỏ lại, áp lực ĐM phổi sẽ dần về bình thường.

Đóng lỗ càng muộn thì các thay đổi về cấu trúc và huyết động càng chậm hồi phục.

Câu hỏi: Cháu tôi đi khám bị nghi bệnh tim bẩm sinh, bác sỹ chỉ định cần làm siêu âm tim, siêu âm tim có hại không? Làm như thế nào? Và lợi ích ra sao?

Trả lời:

Siêu âm tim là một xét nghiệm không gây đau và không làm chảy máu. Siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm để ghi lại và tái tạo hình ảnh về các cấu trúc bên trong của quả tim và hoạt động của dòng máu trong tim.

Một đầu dò chuyên biệt sẽ được sử dụng để siêu âm cho trẻ. Đầu dò được đặt trên thành ngực và sử dụng sóng siêu âm để ghi lại hình ảnh của tim. Những hình ảnh này sẽ hiển thị lên màn hình hoặc in ra giấy. Siêu âm giúp chẩn đoán chính xác hầu hết các trường hợp tim bẩm sinh và hoàn toàn vô hại. Nếu trẻ kích thích, tăng động không nằm yên sẽ gây khó khăn cho bác sỹ siêm âm, trong trường hợp này trẻ cần phải sử dụng thuốc an thần liều vừa đủ để gây ngủ trong quá trình làm siêu âm.Thông thường hầu hết các trẻ đều hợp tác khi siêu âm tim mà không cần dùng đến thuốc an thần.

4 thoughts on “Chuyên đề: Tim bẩm sinh

  • Thứ Sáu 12 Tháng Hai 2021 at 13:23
    Permalink

    vợ em bị tim bẩm sinh.và đã điều trị bằng phẫu thuật đc 10 năm .vậy có thể mang thai được không.có nguy hiểm không

    • Thứ Sáu 12 Tháng Hai 2021 at 20:42
      Permalink

      Xin chào bạn!
      Về trường hợp của bạn, Bạn nên đưa bà xã của bạn đến phòng khám Nội tim mạch của Bệnh viện đa khoa Long An để được các bác sĩ chuyên ngành tim mạch thăm khám kết hợp cùng các bác sĩ sản khoa để tư vấn cụ thể chi tiết cho bạn nhé!
      Bạn nên sớm cùng bà xã đi thăm khám. Chúc bạn và gia đình luôn dồi dào sức khỏe để sớm đạt được ý nguyện.
      Rất vui khi bạn đã quan tâm đến bệnh viện chúng tôi.

  • Chủ Nhật 10 Tháng Mười 2021 at 07:12
    Permalink

    Con tôi được 37 tuần và được siêu âm chuẩn đoán bị tim bẩm sinh và bị thiểu sản thất phải, teo van động mạch phổi hẹp van ba lá thể trung bình, bs cho hỏi tình trạng của con có nặngnkhoong vag có thể chữa khỏi không ạ

    • Chủ Nhật 10 Tháng Mười 2021 at 11:11
      Permalink

      Chào bạn!
      Hiện tại chuyên khoa Sản Nhi đã di dời về BV sản nhi Long An. Bạn liên hệ BV Sản Nhi Long An để được tư vấn nhé.

Trả lời nghĩa Hủy

viTiếng Việt