Dinh dưỡng trong bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
DINH DƯỠNG TRONG BỆNH TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ EM
Nguyễn Phước Lộc – P.KHTH
Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em. Ở các nước đang phát triển người ta ước tính có tới 1,3 ngàn triệu lượt trẻ em bị tiêu chảy và 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm chết vì tiêu chảy. Trong đó 80% tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân chính của tử vong là do cơ thể bị mất nước và điện giải. Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Bệnh tiêu chảy là một vấn đề y tế toàn cầu, là gánh nặng kinh tế đối với các nước đang phát triển. Để rút ngắn thời gian tiêu chảy, giảm bớt tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong, việc bồi phụ nước và điện giải bằng đường uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng.
Tiêu chảy cấp là trẻ đi ngoài khởi đầu cấp tính, phân lỏng hoặc tóe nước, ngày > 3 lần, kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày).
Hậu quả của tiêu chảy: Mất nước và điện giải, làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến truỵ tim mạch và có thể tử vong.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, trong điều trị tiêu chảy điều quan trọng nhất là bù lượng nước, điện giải và chế độ ăn của trẻ.
– Hồi phục nước và điện giải
Tùy theo mức độ mất nước mà điều trị tại nhà hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế.
– Cách cho trẻ uống
– Trẻ < 2 tuổi cho uống từng ngụm bằng cốc hoặc dùng thìa cà phê cho trẻ uống từ từ.
– Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2 – 3 phút.
Sau 4 giờ đánh giá lại tình trạng mất nước nếu xuất hiện mất nước nặng (mất nước độ C) cần đưa trẻ đi bệnh viện để điều trị phục hồi nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch (truyền dịch).
– Các loại dịch dùng trong điều trị tiêu chảy:
– ORS (orerol) hoặc Hydrit là dung dịch tốt nhất để điều trị mất nước.
Cách pha dung dịch ORS gói nhỏ: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi pha. Đổ gói ORS vào 200 ml nước chín đun sôi để nguội cho trẻ uống dần.
Trường hợp trẻ mất nước nặng: Trẻ vật vã kích thích hoặc li bì, uống nước bị nôn, đi tiểu ít, khóc không ra nước mắt, da nhăn nheo, mắt trũng, môi khô phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để truyền dịch.
Chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy
Mặc dù trong thời gian bị tiêu chảy cấp, quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60%, do vậy trong suốt quá trình tiêu chảy cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không được bắt trẻ nhịn, kiêng khem, thì trọng lượng cơ thể sẽ tiếp tục tăng với tốc độ gần như bình thường. Nếu không ăn đủ khẩu phần trẻ sẽ bị sụt cân dẫn đến suy dinh dưỡng.
– Các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy
– Gạo (bột gạo), khoai tây
– Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc
– Sữa đậu tương (đậu nành), sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose
– Dầu thực vật
– Cà rốt, chuối, táo
– Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để sử dụng chế độ ăn thích hợp.
+ Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ uống sữa bò hoặc sữa bột công thức mà trước đó trẻ vẫn uống nhưng phải pha loãng 1/2 trong vòng 2 ngày.
+ Trẻ từ 6 tháng tuổi: Ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa… và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ,… để tăng thêm lượng kali, beta caroten, vitamin C…
– Các thực phẩm không nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy:
– Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức uống, ăn này có thể làm tăng tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.
– Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (bắp, đậu đỗ) khó tiêu hóa.
– Số lượng thức ăn:
– Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
– Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền./.