HIỆU QUẢ CHỤP CT TRONG CHẨN ĐOÁN BỆNH LÝ MẠCH VÀNH

HIỆU QUẢ CHỤP CT TRONG CHẨN ĐOÁN BỆNH LÝ MẠCH VÀNH

CN Bùi Thế Ngự – KTV trưởng – Khoa CĐHA – BVĐK Long An

Trong những năm gần đây, CT đã trở thành một phương tiện chẩn đoán hình ảnh quan trọng và quen thuộc trong bệnh lý tim mạch nói chung và đặc biệt trong bệnh động mạch vành. Với sự cải thiện về độ phân giải rút gắn thời gian chụp cho hình ảnh rõ nét động mạch vành tới các nhánh nhỏ. Máy CT ≥ 64 lát cho hình ảnh rõ nét giải phẫu động mạch vành và đánh giá bệnh lý mạch vành.

Có 2 kỹ thuật khảo sát động mạch vành trên CT là chụp CT đo độ vôi hóa mạch vành và chụp CT mạch vành có tiêm thuốc cản quang  

Chụp đo độ vôi hóa mạch vành (không tiêm thuốc cản quang)

Các BS lâm sàng chỉ định chụp CT không sử dụng thuốc cản quang để đánh giá mức độ vôi hóa động mạch vành

Hình ảnh đóng vôi động mạch vành

Kết quả đo độ vôi hóa được thể hiện bằng điểm vôi hóa điểm vôi hóa mạch vành . Điểm vôi hóa được chia làm 4 mức độ:

  • 0 điểm: không mảng vôi hóa
  • 1 – 99 điểm: vôi hóa nhẹ (nguy cơ thấp, tỷ lệ tử vong hoặc nhồi máu cơ tim hàng năm < 1%)
  • 100 – 399: vôi hóa trung bình (nguy cơ trung bình, tỷ lệ tử vong hoặc nhồi máu cơ tim hàng năm 1% – 3%)
  • ≥ 400 điểm: vôi hóa nặng (nguy cơ cao, tỷ lệ tử vong hoặc nhồi máu cơ tim hàng năm > 3%)

Mức độ nặng còn tùy thuộc vào vị trí vôi hóa nằm ở động mạch vành nào (thân chung động mạch vành trái và đoạn gần của các động mạch vành nguy hiểm hơn đoạn giữa và đoạn xa), cách phân bố, số lượng… Các đốm vôi hóa nhỏ lại thường đi đôi với các mảng xơ vữa hỗn hợp gây hẹp lòng mạch vành đáng kể và có thể nguy hiểm hơn mảng vôi hóa lớn…

Khi điểm vôi hóa ≥ 400, thậm chí thấp hơn nhưng tập trung thành mảng lớn làm che lấp lòng mạch vành và gây nhiễu hình ảnh, các bác sĩ sẽ không tiêm thuốc cản quang chụp CT khảo sát lòng mạch vành vì nhiễu làm đánh giá không chính xác mức độ hẹp lòng ở những nơi có mảng xơ vữa vôi hóa nặng. Những trường hợp này nên chụp mạch vành qua thông tim.

Chỉ định đo điểm vôi hóa mạch vành được chỉ định trên bệnh nhân không có triệu chứng và bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng.

  • Đánh giá nguy cơ bệnh động mạch vành ở bệnh nhân không có triệu chứng đau ngực:

Trên các bệnh nhân không triệu chứng, nhưng có các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành như hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu… cần tính nguy cơ bệnh động mạch vành toàn bộ để có kế hoạch tầm soát bệnh động mạch vành, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa bệnh động mạch vành.

Điểm vôi hóa mạch vành sẽ hỗ trợ cho các bác sĩ xác định nguy cơ và quyết định phòng ngừa tiên phát bệnh động mạch vành cho những bệnh nhân này .

  • Trên bệnh nhân có triệu chứng đau ngực:

Điểm vôi hóa mạch vành cũng được sử dụng cho tiên đoán bệnh động mạch vành tắc nghẽn trên bệnh nhân có triệu chứng đau ngực.

Có thể chia bệnh động mạch vành thành bệnh động mạch vành tắc nghẽn và bệnh động mạch vành không tắc nghẽn. Gọi là bệnh động mạch vành tắc nghẽn khi động mạch vành hẹp đáng kể (≥ 50 – 70%), gây hậu quả thiếu máu cục bộ khi nghỉ hoặc khi gắng sức. Bệnh động mạch vành không tắc nghẽn có động mạch vành hẹp nhưng không đáng kể, không gây thiếu máu cục bộ cơ tim khi nghỉ lẫn khi gắng sức.

Mức độ vôi hóa mạch vành không tương quan chặt với mức độ hẹp lòng động mạch vành: vôi hóa nặng không nhất thiết gây hẹp lòng động mạch vành, không vôi hóa cũng không loại trừ hẹp động mạch vành trên bệnh nhân có triệu chứng.

Chụp CT mạch vành có cản quang:

Muốn biết chắc chắn có hẹp động mạch vành hay không cần chụp CT động mạch vành có tiêm thuốc cản quang.

Theo kết quả của các nghiên cứu, CT mạch vành có khả năng loại trừ hẹp mạch vành 97 – 100%, khiến CT mạch vành trở thành một test rất đáng tin cậy cho loại trừ bệnh động mạch vành tắc nghẽn.

CT mạch vành có thể đánh giá cả lòng lẫn thành động mạch vành, nghĩa là có thể khảo sát được các đặc tính về hình thái và cấu trúc của mảng xơ vữa.

Động mạch vành (P) và động mạnh vành (T) cùng vị trí xuất phát

Như vậy, tùy theo các đặc điểm về tuổi, phái, các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc điểm đau ngực và bệnh cảnh lâm sàng của từng người bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân chụp CT mạch vành có cản quang để xác định bệnh nhân có bị hẹp mạch vành hay không.

Hình ảnh hẹp động mạch vành nhánh LAD

Các bệnh nhân trước đây đã từng được đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu nối mạch vành, nếu các bác sĩ nghi ngờ có tái hẹp trong stent mạch vành hoặc cầu nối cũng có thể chỉ định chụp CT mạch vành để xác định chẩn đoán

Chụp kiểm tra sau đặt Stent

Chụp CT mạch vành là một kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý động mạch vành có giá trị, giúp các bác sĩ lâm sàng có phương pháp điều trị cho bệnh nhân có hiệu quả. Nhưng chụp CT mạch vành vẫn luôn có những nguy cơ  nhiễm xạ với tia X và sốc phản vệ khi dùng thuốc cản quang. Vì vậy các bác sĩ luôn cân nhắc lợi hại trước khi quyết định chụp CT mạch vành cho từng bệnh nhân cụ thể.

Trả lời

viTiếng Việt