Holter điện tâm đồ tại khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Long An

HOLTER ĐIỆN TÂM ĐỒ TẠI KHOA NỘI TIM MẠCH BỆNH VIỆN ĐA KHOA LONG AN

CNĐD Trương Thị Ngọc Bích – Khoa Nội Tim Mạch

I. Tổng quan

  • Holter điện tâm đồ (ĐTĐ) là phương pháp ghi điện tâm đồ liên tục trong khoảng thời gian nhất định, thời gian được áp dụng khoảng từ 24-28h. Máy holter điện tâm đồcho phép ghi lại điện tâm đồ trong thời gian đeo máy trên ngực :của người bệnh. Các dữ liệu ĐTĐ này sẽ được lưu lại trong bộ nhớ dưới dạng băng cassette hoặc được ghi theo phương pháp kỹ thuật số. Holter điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện của trái tim trong 24 giờ. Nó sẽ theo dõi nhịp tim của bạn trong các hoạt động thường ngày để xem điện tim đáp ứng như thế nào với hoạt động, nghỉ ngơi và/hoặc thay đổi thuốc.

II. Chỉ định :

  1. Các triệu chứng nghi ngờ do rối loạn nhịp tim gây nên:

– Ngất, thoáng ngất, cơn chóng mặt không tìm thấy nguyên nhân.

– Cơn hồi hộp trống ngực.

– Cơn khó thở, đau ngực, mệt không rõ nguyên nhân.

– Tai biến mạch não nghi ngờ do cơn rung nhĩ, hay cuồng nhĩ.

– Ngất, thoáng ngất, cơn chóng mặt, hồi hộp trống ngực nghi ngờ do các nguyên nhân khác, nhưng vẫn tái phát mặc dù đã điều trị theo hướng nguyên nhân đó.

  1. Đánh giá các nguy cơ tim mạch ở một số bệnh nhân đặc biệt

– Suy tim ( với EF< 40%) sau NMCT.

– Suy tim do các nguyên nhân khác.

– Bệnh cơ tim phì đại.

  1. Đánh giá hiệu quả điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc

– Nghi ngờ vẫn còn RLNT mặc dù đã điều trị bằng thuốc.

– Phát hiện các RLNT gây ra do thuốc ở bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ.

– Đánh giá hiệu quả khống chế tần số thất ở bệnh nhân rung nhĩ.

– Phát hiện các RLNT không bền bỉ, không có triệu chứng ở bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc.

  1. Đánh giá chức năng của máy tạo nhịp tim và máy phá rung

– Phát hiện các RLNT nghi ngờ do máy gây ra hoặc do rối loạn chức năng của máy.

– Đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc ở những bệnh nhân đã cấy máy phá rung mà vẫn cần phải điều trị thêm bằng thuốc.

– Đánh giá sớm hiệu quả sau thủ thuật cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy phá rung.

– Phát hiện các rối loạn nhịp trên thất ở những bệnh nhân cấy máy phá rung thất giúp cho việc lập trình máy thích hợp.

  1. Chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ

– Những bệnh nhân nghi ngờ bị các biến thể của cơn đau thắt ngực.

– Đau ngực nhưng không làm được nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ.

– Đánh giá trước các phẫu thuật mạch máu mà bệnh nhân không làm được nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ.

– Đau ngực không điển hình ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành từ trước.

  1. Holter ĐTĐ trong Nhi khoa

– Ngất, thoáng ngất, chóng mặt ở bệnh nhân có bệnh tim, hoặc đã có tiền sử RLNT, có máy tạo nhịp tim.

– Ngất, thoáng ngất khi gắng sức mà không tìm thấy nguyên nhân.

– Bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh cơ tim giãn.

– Nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán hội chứng QT kéo dài.

– Hồi hộp trống ngực kèm theo có rối loạn huyết động ở bênh nhân trước mổ bệnh tim bẩm sinh.

– Đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc chống loạn nhịp tim.

– Blốc nhĩ thất cấp III bẩm sinh không có triệu chứng.

– Ngất, thoáng ngất, hồi hộp trống ngực không rõ nguyên nhân ở bệnh nhân không có bệnh tim.

– Phát hiện các RLNT ngay sau điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp tim. Đặc biệt là những thuốc dễ gây nên RLNT như: Quinidine…

– Blốc nhĩ thất thoáng qua do điều trị loạn nhịp tim bằng song có tần số Radio, hoặc sau mổ tim.

III. Chống chỉ định:

Không có chống chỉ định khi ghi Holter điện tâm đồ, chỉ chú ý cẩn thận bảo quản thiết bị ghi tránh nước, hoặc các va chạm cơ học, hóa chất.

IV. Biến chứng :

Holter điện tâm đồ là một thiết bị số nhỏ và nhẹ. Để đeo máy người ta sẽ đặt các miếng dán điện cực nhỏ dính lên ngực bạn.  Các miếng dán điện cực được kết nối với một dây dẫn đến holter để nhận các tín hiệu điện được tạo ra bởi mỗi nhịp đập. Bạn sẽ không cảm thấy bất cứ điều gì và sẽ không có cảm giác đau đớn hoặc khó chịu trong quá trình đeo máy. Không có biến chứng nặng nào khi theo dõi Holter điện tâm đồ, có thể chỉ có dị ứng ngoài da với băng dính hoặc điện cực.

V. Các bước thực hiện:

  1. Chuẩn bị người bệnh:
  • Bệnh nhân tắm rửa sạch sẽ trước khi đeo máy. Trong thời gian đeo máy tuyệt đối không được phép tắm rửa. Nên mặc áo rộng rãi.
  • Giải thích cho bệnh nhân bảo quản đầu ghi trong thời gian đeo máy
  • Ghi lại những sự kiện vào phiếu Holter điện tâm đồ trong quá trình theo dõi.
  1. Các bước tiến hành:
  • Dán điện cực. Vùng da dán điện cực được lau sạch sẽ. Hiện nay đa số các loại máy là máy hiện đại có 12 kênh 5-10 điện cực. Vị trí dán điện cực tuỳ thuộc vào số lượng điện cực
  • Lắp máy
  • Hướng dẫn bệnh nhân, trong thời gian đeo máy: tránh gắng sức, không làm ướt máy và không làm va đập vào máy vì dễ làm nhiễu hình ảnh điện tâm đồ. Trong thời gian đeo máy nếu có các triệu chứng bất thường cần bấm nút để đánh dấu thời điểm bị, đồng thời ghi lại đầy đủ các triệu chứng này và thời gian chính xác lúc xảy ra triệu chứng vào tờ nhật ký, luôn luôn giữ nhật ký và một cây bút bên mình mọi lúc, mọi nơi.
    Vào buổi đêm, đặt máy dưới gối của bạn, đảm bảo rằng các dây dẫn vẫn còn được gắn với các điện cực trên ngực của bạn. Nếu một dây dẫn hoặc điện cực vô tình bị rời ra, vui lòng gắn lại nó vào vị trí ban đầu.
  • Sau khi đeo máy bạn vẫn có thể tiếp tục với các hoạt động bình thường, lưu ý các hoạt động mạnh có thể gây trở ngại cho việc ghi dữ liệu.
  • Sau 24-48 giờ bệnh nhân được hẹn quay trở lại để tháo máy. Máy sau khi được tháo sẽ được nạp các dữ liệu điện tâm đồ vào máy tính có cài phần mềm để đọc.

 

VI. Kết quả của bạn:  Kỹ thuật viên sẽ hẹn bạn thời gian quay lại sau 24 giờ để tháo máy.  Kết quả  sẽ có sau khi tháo máy 2-3 giờ và do một bác sĩ chuyên khoa đọc kết quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

viTiếng Việt