Một số khái niệm về Quản lý chất lượng xét nghiệm cần biết
MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÉT NGHIỆM CẦN BIẾT
CN Huỳnh Thị Thùy Linh – Khoa Xét Nghiệm
Kết quả xét nghiệm góp phần rất quan trọng đối với các quyết định chẩn đoán, điều trị, phát hiện và tầm soát bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy,…
Muốn phát huy tối đa ý nghĩa và vai trò nêu trên thì xét nghiệm phải đảm bảo chất lượng. Vì vậy, quản lý chất lượng xét nghiệm là một yêu cầu song hành không thể thiếu trong hoạt động xét nghiệm. Bằng chứng về chất lượng là bằng chứng bắt buộc đối với việc công nhận đạt chuẩn của một phòng xét nghiệm, khẳng định uy tín của phòng xét nghiệm đối với khách hàng.
Với mong muốn góp phần hệ thống hóa và cung cấp những kiến thức về quản lý chất lượng cho phòng xét nghiệm y khoa như sau:
- Hệ thống quản lý chất lượng (QMS) là gì?
- QMS là viết tắt của từ Quality Management Systems, dịch ra là “Hệ thống quản lý chất lượng”
- Là hệ thống quản lý để định hướng và kiểm soát một phòng xét nghiệm về chất lượng. Hệ thống quản lý này sẽ thực hiện các hoạt động quản lý chung, việc cung cấp, quản lý các nguồn lực, các quá trình trước, trong và sau xét nghiệm đồng thời đánh giá và cải tiến liên tục… Cụ thể hệ thống sẽ quản lý các nội dung sau:
- Tổ chức, nhân sự, trang thiết bị, mua sắm và kiểm kê, kiểm soát quá trình (QA/QC), quản lý thông tin, tài liệu và hồ sơ, quản lý rủi ro, đánh giá, cơ sở hạ tầng và an toàn, dịch vụ khách hàng, cải thiện quá trình.
- Tóm lại “Hệ thống quản lý chất lượng” sẽ kiểm soát toàn bộ các vấn đề liên quan đến phòng xét nghiệm.
- Đảm bảo chất lượng (QA) là gì?
- QA là viết tắt của từ Quality Assurance có nghĩa là “Đảm bảo chất lượng”
- Là toàn bộ các hoạt động có kế hoạch và có hệ thống được tiến hành trong hệ thống quản lý chất lượng. Mục đích của QA là cung cấp cho khách hàng niềm tin rằng các yêu cầu chất lượng sẽ được thực hiện (khách hàng là cá nhân/đơn vị sử dụng dịch vụ xét nghiệm: bác sĩ lâm sàng, bệnh nhân, thân nhân của bệnh nhân, cơ quan y tế, đơn vị bỏ hiểm y tế, các khoa/phòng có liên quan trong co sở khám bệnh,chữa bệnh,…)
- Trong lĩnh vực xét nghiệm, QA đưa ra các biện pháp hạn chế và đề phòng sai sót nhằm tạo mọi điều kiện tối ưu để có kết quả xét nghiệm tin cậy và hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra tong ba giai đoạn của quá trình xét nghiệm (trước xét nghiệm, xét nghiệm và sau xét nghiệm).
- Kiểm tra chất lượng (QC) là gì?
- QC là viết tắt của từ Quality Control dịch ra là: “Kiểm tra chất lượng” hoặc “Kiểm soát chất lượng”
- Kiểm tra chất lượng tập trung vào việc thực hiện những yêu cầu chất lượng liên quan đến kỹ thuật, quá trình tiến hành,…Trong hệ thống quản lý chất lượng nói chung và lĩnh vực xét nghiệm nói riêng, kiểm tra chất lượng là một phần của đảm bảo chất lượng nhằm phát hiện sai số và nguyên nhân gây sai số để đề ra biện pháp khắc phục sai số xảy ra. Trong xét nghiệm y khoa, nội kiểm tra chất lượng và ngoại kiểm tra chất lượng là hai công cụ quan trọng của kiểm tra chất lượng.
- Nội kiểm tra (IQC) là gì?
- IQC là viết tắt của từ Internal Quality Control có nghĩa là nội kiểm tra chất lượng hay gọi tắt là nội kiểm.
- Là các quy trình được chính nhân viên phòng xét nghiệm thực hiện để giám sát liên tục và nhanh quy trình xét nghiệm. IQC thực hiện phân tích trên mẫu chứng đã được biết trước giá trị. IQC được thực hiện hàng ngày trong phòng xét nghiệm. Nó giúp phát hiện lỗi trong khi thực hiện xét nghiệm thường quy.
- Để thực hiện QC người ta sẽ sử dụng mẫu kiểm tra do bên thứ 3 cung cấp. Tùy vào loại xét nghiệm mà mẫu này sẽ là mẫu định lượng, mẫu bán định lượng hoặc mẫu định tính. Các mẫu này biết trước giá trị, phòng xét nghiệm sẽ tiến hành phân tích như mẫu bệnh nhân để xác định độ chính xác cũng như độ chụm.
- Ngoại kiểm tra (EQA) là gì?
- EQA là viết tắt của từ External Quality Assessment có nghĩa là ngoại kiểm tra hay gọi tắt là ngoại kiểm.
- Là một hệ thống do một cơ quan độc lập bên ngoài triển khai để đánh giá chất lượng của các phòng xét nghiệm trong cùng khu vực. Đơn vị này sẽ gửi các mẫu đồng nhất tới các phòng xét nghiệm tham gia. Tại các phòng xét nghiệm sẽ thực hiện phân tích như mẫu bệnh nhân. Sau đó đơn vị này sẽ tổng hợp kết quả để so sánh và đánh giá chất lượng của từng phòng xét nghiệm. Qua các báo cáo đánh giá từ đơn vị này phòng xét nghiệm sẽ thực hiện cải thiện chất lượng xét nghiệm của mình.
- Cần lưu ý là công tác ngoại kiểm hỗ trợ cho kiểm tra chất lượng nhưng không thay thế cho nội kiểm.
Tài liệu tham khảo:
Sách “Những vấn đề cơ bản trong đảm bảo chất lượng xét nghiệm y khoa”. Tái bản lần thứ nhất -2015. Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm thành phố Hồ Chí Minh.