Người đang dùng thuốc cần tránh những đồ uống và thực phẩm gây tương tác nguy hiểm

SKĐS – Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến mức độ và tốc độ mà thuốc được hấp thụ, phân hủy và thải trừ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc mà còn làm tăng tác dụng có hại của thuốc…

Nếu dùng thực phẩm và đồ uống cùng với thuốc, chúng có thể tương tác gây ảnh hưởng đến cách thuốc hoạt động trong cơ thể. Đây được gọi là tương tác giữa thực phẩm và thuốc. Có nhiều loại thực phẩm và đồ uống có thể có tương tác với thuốc. 

Dưới đây là những loại đồ uống và thực phẩm cần lưu ý:

1. Đồ uống chứa cồn (rượu)

Nhiều loại thuốc có thể tương tác với rượu, làm thay đổi sự trao đổi chất hoặc tác dụng của rượu và/hoặc thuốc. Một số tương tác này có thể xảy ra ngay cả khi mức độ uống vừa phải và gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người uống. 

Nhiều loại thuốc kê đơn có thể tương tác với rượu, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc đối kháng thụ thể histamine H2, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, opioid và warfarin. 

Ngoài ra, nhiều loại thuốc không kê đơn và thảo dược cũng có thể gây ra tác dụng tiêu cực khi dùng chung với rượu. Vì vậy, nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, nên tránh uống rượu.

2. Caffeine

Rất nhiều loại đồ uống có chưa caffein như cà phê, trà, nước ngọt… 

 Caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương và làm tăng huyết áp, lợi tiểu. Caffeine sẽ được phân hủy trong gan vào giai đoạn cuối. Một số loại thuốc như ciprofloxacin, cimetidine và thuốc tránh thai… có thể can thiệp vào cơ chế này trong gan và làm tăng nồng độ caffein trong máu.

Caffeine cũng ức chế sự chuyển hóa của một số thuốc dẫn tới tăng nồng độ thuốc gây mất ngủ và rối loạn nhịp tim, đặc biệt là theophylline. Do đó, những người đang dùng loại thuốc này nên tránh các đồ uống có chứa caffeine

3. Nước bưởi

Nước bưởi là một trong những loại nước trái cây nổi tiếng có thể tương tác bất lợi với thuốc. Điều này là do nước bưởi ức chế một loại enzym trong ruột có thể làm giảm sự chuyển hóa của thuốc và làm tăng nguy cơ phát triển các tác dụng phụ.

 Những người dùng statin (làm giảm cholesterol), một số thuốc hạ huyết áp, thuốc tránh thai chứa estrogen, thuốc chống trầm cảm ba vòng (ví dụ amitriptyline và clomipramine), một loại thuốc được sử dụng cho ngăn ngừa thải ghép nội tạng (cyclosporin), thuốc trị sốt rét (như quinin)… không được uống thuốc cùng với nước bưởi hoặc ăn bưởi trong thời gian uống thuốc, để tránh tương tác bất lợi có hại.

Ngoài ra, nước ép táo và nước cam cũng có thể tương tác với thuốc. Chúng cạnh tranh với các loại thuốc để được hấp thụ, dẫn đến mức độ thuốc được hấp thụ vào máu thấp hơn, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc. 

4. Thực phẩm chứa canxi

Thực phẩm có chứa nhiều canxi có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc mà người bệnh đang dùng. 

Các sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua và kem, rau lá xanh và đậu phụ rất giàu canxi. Một số nước ép trái cây, ngũ cốc ăn sáng, các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành hoặc các sản phẩm từ sữa… cũng được tăng cường chất này để bổ sung canxi cho cơ thể.

Cụ thể: Thuốc kháng sinh (tetracycline, ciprofloxacin và levofloxacin), thuốc điều trị loãng xương bisphosphates… có thể sẽ bị giảm tác dụng khi dùng cùng các loại thực phẩm này. 

Ngược lại, một số loại thuốc có thể làm tăng mức canxi trong cơ thể, như thuốc kháng axit, thuốc lợi tiểu thiazide (hydrochlorothiazide, indapamide, metolazone), lithium và thyroxine. 

Quá nhiều canxi trong cơ thể có thể ẫn đến buồn nôn và nôn, đa niệu, táo bón, đau bụng, thậm chí co giật và hôn mê.‎ Vì vậy, người bệnh đang dùng các thuốc trên cần lưu ý vấn đề này để dùng thuốc được an toàn. 

5. Đồ uống và thực phẩm chứa kali

Một số thực phẩm có chứa nhiều kali như: Chuối, cam, bơ, một vài loại rau lá xanh…  Với những người đang dùng thuốc kê đơn như thuốc trị tăng huyết áp (như captopril, lisinopril, ramipril), thuốc trị suy tim (digoxin) hay thuốc lợi tiểu giữu kali (triamterene)… nên thận trọng khi dùng cá thực phẩm và đồ uống này. 

Nguyên nhân: Nếu dùng cùng nhau sẽ làm tăng nồng độ kali trong cơ thể.  Sự mất cân bằng nồng độ kali trong cơ thể sẽ có hại, có thể dẫn đến buồn nôn, nôn mửa và thậm chí là ngừng tim.

6. Thực phẩm chứa tyramine

Rất nhiều thực phẩm lên men, thực phẩm hun khói và thực phẩm bị hư hỏng hoặc không được bảo quản đúng cách có thể chứa tyramine.  Vì vậy, khi dùng thuốc cần tránh các đồ ăn này. 

Mức độ tyramine cũng tăng lên liên quan đến quá trình lão hóa thực phẩm. Mức độ cao của tyramine có thể làm tăng huyết áp đột ngột, nguy hiểm. Bình thường, tyramine khi ăn vào đều bị phân hủy nhanh chóng trong ruột và gan. Tuy nhiên, do hoạt động của enzym bị ức chế, kết quả là huyết áp có thể tăng nhanh.

 Một số loại thuốc kê đơn có thể can thiệp vào sự chuyển hóa của tyramine, như thuốc ức chế MAOIs bao gồm moclobemide (một loại thuốc chống trầm cảm), linezolid (một chất kháng khuẩn) và isoniazid (một chất chống lao)… nên những người dùng các thuốc này cần đặc biệt lưu ý.

Trả lời

viTiếng Việt