Những điều cần biết về Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của chính phủ

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 145/2020/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Nguyễn Phước Lộc – P.KHTH

Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.

Theo quy định mới, người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Đáng chú ý, Nghị định này quy định cụ thể các hành vi bị coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, như là: Hành vi mang tính chất thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử;…

Cụ thể, khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định các trường hợp người giúp việc được tự ý nghỉ việc mà không cần báo trước đó là vì các lý do sau: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; Bị người sử dụng lao động đánh đập, nhược đãi hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ; Bị cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;…

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Quy định về nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:

  • Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút vào thời giờ làm việc, và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.
  • Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động./.

One thought on “Những điều cần biết về Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của chính phủ

  • 14/05/2021 15:18 at 15:18
    Permalink

    theo nghi đinh 145/2020 của chinh phủ thì việc xếp bảng lương của nghành y về ngạch cao đẳng thế nào ah? vì theo tt năm 2015 của bộ nội vụ thì hủy bỏ ngạch cao đẳng

Trả lời

viTiếng Việt