SỰ SỐNG NGƯỜI BỆNH LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ CHÚNG TÔI PHẤN ĐẤU, LÀM TỐT VAI TRÒ NGƯỜI THẦY THUỐC

SỰ SỐNG NGƯỜI BỆNH LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ CHÚNG TÔI PHẤN ĐẤU, LÀM TỐT VAI TRÒ NGƯỜI THẦY THUỐC

BS Hồ Thị Cẩm Giang – Khoa cấp cứu

“Cấp cứu bác sĩ ơi, cứu cha tôi với”, “bác sĩ ơi, bác sĩ ơi, con tôi bị sao vầy nè”, “cứu, cứu, bác sĩ ơi cứu dùm mẹ tôi đang bất tỉnh”, “tui khó thở quá bác sĩ ơi, cứu tôi với”….là những lời mà chúng tôi được nghe thường xuyên khi vào ca trực. Dần dần những lời đấy đi sâu vào tiềm thức, hiện diện trong tâm trí mỗi nhân viên khoa cấp cứu, thúc đẩy chúng tôi làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn để có thể cứu sống kịp thời những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, cũng như có thể sớm chuyển những người bệnh nhẹ hơn đến các khoa lâm sàng để được điều trị chuyên sâu.

Khi thành phố tắt đèn, mọi người chìm vào giấc ngủ say sưa còn chúng tôi đang vào ca trực, phải thức thâu đêm suốt sáng. Có khi chợp được mắt thì bàng hoàng tỉnh giấc bởi tiếng động cơ xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến, hoặc tiếng người nhà bệnh nhân gọi í ới, thậm chí những tiếng chửi mắng om sòm của những nạn nhân say xỉn… Chúng tôi phải cứu chữa bệnh nhân ngay lập tức, nhất là những bệnh nhân nặng, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Tôi nhớ như in ngày ấy, ngày 19/02/2020, nhận ca trực có ông Hồ Ngọc T, 83 tuổi, nhà ở Vĩnh Hưng, Long An. Ông bị Sốc nhiễm trùng – Viêm phổi – COPD – Nhồi máu cơ tim cũ – Di chứng nhồi máu não – Suy kiệt, tiên lượng rất nặng. Vì nhà cách khá xa bệnh viện, thân nhân sợ ông không được trút hơi thở cuối cùng tại nơi ông đã gắn bó. Các chú (con ông) dự định xin đưa ông về. Chúng tôi đã tư vấn bệnh, đưa ra các dự đoán điều trị, để các chú thấy rằng ông vẫn còn hy vọng, chúng ta nên cố gắng. May mắn, chúng tôi nhận được sự thấu hiểu, hợp tác và chấp nhận điều trị từ phía gia đình. Quá trình điều trị không mấy dễ dàng, nhưng gia đình và khoa cấp cứu đều rất nỗ lực. Ông từ hôn mê, HA phụ thuộc vận mạch, phù toàn thân, loét, phải thở máy, dùng vận mạch, kháng sinh, tính toán dinh dưỡng, thuốc giãn phế quản, chăm sóc vết loét; dần dần có đáp ứng với điều trị, ông nhận ra được con mình, hết phù và vết loét lành dần, ông cai máy thở thành công, ngưng vận mạch, ngưng kháng sinh. Chính sự tin tưởng và hợp tác của người nhà; sự quyết tâm và chăm sóc cẩn thận của các anh chị em trong khoa cấp cứu mà sau gần 45 ngày điều trị, sức khỏe ông cải thiện và được ra viện.

Ảnh: Ông Hồ Ngọc T và điều dưỡng Mỹ (bên trái), điều dưỡng Hậu (bên phải) đang chăm sóc, vỗ lưng.

Ngày 05/5/2020, Chú Nguyễn Văn S, 68 tuổi, nhà ở Thủ Thừa, Long An vào cấp cứu lúc 18 giờ vì khó thở và đau ngực. Chú từng bị Đái tháo đường type 2, Nhồi máu cơ tim đã đặt Stent. Quá trình theo dõi và điều trị, chú xuất hiện rung thất. Sau cấp cứu, nhịp tim hồi phục về nhịp xoang, chú tỉnh hẳn. Kíp trực cấp cứu đã thống nhất liên hệ và chuyển chú đến Bệnh Viện Chợ Rẫy để cấy máy phá rung. Với sự cấp cứu kịp thời, chuyển viện an toàn và đúng lúc, chú S đã được cấy máy phá rung và sức khỏe đến nay ổn định.

Trường hợp khác, chú Phạm Văn L, 65 tuổi, nhà ở Châu Thành, Long An. Chú được thân nhân đưa đến cấp cứu lúc 01 giờ 40 phút sáng ngày 19/06/2020 trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn. Ngay tức thì, các anh chị em trong tua trực: người ép tim ngoài lồng ngực, người bóp bóng, người sốc điện, người lấy đường truyền, tiêm thuốc…hợp tác với nhau trôi chảy. Sau cấp cứu, chú có nhịp tim và HA. Khoảng 30 phút sau, chú tỉnh hẳn, HA và nhịp tim ổn định. Kết hợp lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, chú được chẩn đoán: nhồi máu cơ tim cấp biến chứng rối loạn nhịp tim, phù phổi cấp – Phình động mạch chủ ngực, chú đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, chú được chuyển khoa điều trị tiếp tục.

….

Là nghề đặc biệt, nghề được cả xã hội biết đến, được cả xã hội trân trọng, quý mến thì sức ép, trách nhiệm và áp lực đối với nghề của người thầy thuốc cũng rất nặng nề. Trong chuyên môn, người thầy thuốc không thể tiên lượng, đánh giá hết được mọi sự cố bất ngờ; cùng với đó, những tai biến trong nghề nghiệp luôn rình rập, dễ xảy ra bất cứ lúc nào dù người thầy thuốc đã cố gắng hạn chế thấp nhất mọi rủi ro; ranh giới giữa cái chết và sự sống gần nhau trong gang tấc. Nhưng không gì vui hơn khi người thầy thuốc đã giành lại được sự sống cho người bệnh. Đây là điều làm tập thể chúng tôi phấn khởi, chính sự sống của người bệnh là động lực để chúng tôi phấn đấu, làm tốt vai trò của người thầy thuốc. Và nên nhớ rằng: “Khi có Tâm Đức: bác sĩ sẽ mang đến cho bệnh nhân một cảm giác vui vẻ, tươi trẻ thì bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục và lúc đó bác sĩ sẽ đúng với câu : “Lương y như từ mẫu”.  Khi có Trí: người bác sĩ sẽ cứu giúp được bệnh nhân và mang cho họ một cuộc sống tốt đẹp. Khi có ngoại ngữ và am hiểu công nghệ, bác sĩ sẽ tiếp thu và trao đổi với các đồng nghiệp trên thế giới để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Khi khiêm nhường và đoàn kết, bỏ đi cái tôi sẽ mang đến cho bệnh nhân phương pháp điều trị tốt nhất và nền y tế sẽ phát triển bền vững.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

viTiếng Việt