Bài viết chuyên môn

Hội chứng rối loạn giấc ngủ ở những bệnh nhân cao tuổi

HỘI CHỨNG RỐI LOẠN GIẤC NGỦ Ở NHỮNG BỆNH NHÂN CAO TUỔI

BSCK1. LÊ THỊ BẠCH NGỌC – Khoa Nội Cán bộ – Lão khoa

Mỗi ngày , tại phòng khám bệnh lão khoa – chăm sóc sức khỏe cán bộ hưu – người cao tuổi BVĐK Long An thường gặp những bệnh nhân đến khám bệnh , phàn nàn về một nổi ám ảnh rất giống nhau : Mất ngủ . Tưởng chừng đây chỉ là vấn đề nhỏ nhặt, chỉ cần kê ra vài viên thuốc ngủ uống vào ban đêm là xong . Nhưng không đơn giản như vậy . Khai thác thêm tình trạng bệnh tật sẽ thấy di chứng nghiêm trọng của vấn đề mất ngủ dẩn đến các bệnh lý khác nguy hiễm hơn liên quan đến các hoạt động thần kinh , tim mạch , tiêu hóa , gan thận , sức cơ , năng lực sống , tuổi thọ và tất nhiên ảnh hưởng dây chuyền đến những rối loạn sinh hoạt gia đình , công tác xã hội , hòa nhập cộng đồng . Điều đáng quan tâm là chỉ bằng thuốc men thì trong thực tế không làm giảm đi triệu chứng khủng hoảng này , càng làm cho các bệnh nhân ngày càng mất lòng tin vào thầy thuốc . Bệnh nhân đã hoang mang ngày càng hoang mang hơn .

          Vậy mất ngủ – nói chính xác hơn là rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là gì , nghiêm trọng ra sao mà chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét nó như là một tình trạng bệnh lý thực thể trong bối cảnh chung có liên quan đến nhiều yếu tố đời sống xã hội , để từ đó tìm ra phương pháp trị liệu hữu hiệu .

Định nghĩa rối loạn giấc ngủ (mã ICD là G47, G47.0 , F51.0) , theo Y văn thế giới là :

  • Khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thường thức dậy sớm, tỉnh giấc nửa đêm, khó để tiếp tục ngủ lại, hoặc trằn trọc gần đến sáng mới chợt mắt được, không thấy khỏe sau giấc ngủ.
  • Xảy ra tình trạng đảo lộn giấc ngủ, không ngủ được vào ban đêm mà ngủ vào ban ngày. Thậm chí có người bệnh không ngủ được vào ban đêm và cả ban ngày. Ban đêm người bệnh có thể rất tỉnh táo, cơ thể làm việc bình thường. Sự đảo lộn thói quen sinh hoạt theo thời gian chính là nổi sợ hãi và đau khổ dằn dặt nhất.

Cơ chế buồn ngủ của giấc ngủ :

Giấc ngủ rất quan trọng , khi ngủ các cơ quan được giảm các hoạt động tới mức tối đa hoặc hoàn toàn nghỉ ngơi, giúp bảo vệ vỏ não, khôi phục sức lao động sau một ngày làm việc vất vả, đặc biệt với những người ốm và lao động mệt mỏi. Khi ngủ chúng ta trải qua 2 trạng thái:

– Giấc ngủ chậm là khoảng thời gian chúng ta chìm sâu hoàn toàn vào giấc ngủ và trạng thái kéo dài khoảng 90 phút, các tế bào não và cơ thể khi đó được hoàn toàn nghỉ ngơi.

– Giấc ngủ nhanh: diễn ra sau giấc ngủ chậm và kéo dài chỉ khoảng 30 phút, khi trải qua giấc ngủ nhanh chúng ta bắt đầu trải qua những giấc mơ, nói mớ, giật mình hoặc cử động tay chân.

Hai trạng thái này cứ diễn ra tuần tự và luân phiên nhau khoảng 4 lần trong một giấc ngủ khoảng 8 tiếng.

Nếu người cao tuổi trải qua giấc ngủ thực sự chỉ khoảng 4 tiếng mỗi ngày, cho thấy việc ngủ không đủ giấc. Đây là triệu chứng thường gặp ở người lớn tuổi , phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới. Người ta ước tính khoảng 48% những người trên 50 tuổi bị mất ngủ. Khi càng lớn tuổi, thói quen sinh hoạt thay đổi và giấc ngủ cũng thay đổi theo đó . Ở nước ta, xu hướng rối loạn giấc ngủ gia tăng nhanh ở những người cao tuổi trong những năm gần đây.

Mất ngủ ở người già có thể do nhiều nguyên nhân:

1)-  Rối loạn giấc ngủ nguyên phát (Không do bệnh lý khác hoặc nguyên nhân tâm thần) :

– Suy giảm chức năng cơ thể, hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi tuổi càng cao, các tế bào, cơ quan trong cơ thể dần trở nên lão hóa, trong đó các tế bào thần kinh bị hủy hoại và suy giảm chức năng so với người trẻ tuổi gây ra mất ngủ, khó ngủ, luôn cảm thấy buồn ngủ hoặc ngủ không yên giấc.

Ngưng thở hoặc hơi thở bị gián đoạn trong lúc ngủ. Ngưng thở khi ngủ (25% – 35 %) ở người trên 60 tuổi, béo phì, nam nhiều hơn nữ, đặc biệt nhiều ở người đã có dấu hiệu sa sút tâm thần.

– Hội chứng chân không yên (RLS): Cảm thấy rất muốn cựa quậy chân khi ngủ.

– Rối loạn tứ chi theo chu kỳ hay còn gọi là chân tay cử động trong vô thức.

– Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học hoặc chu kỳ ngủ – thức bị gián đoạn.

– Rối loạn hành vi giấc ngủ REM.

– Mất ngủ vừa là một triệu chứng, vừa là bệnh. Trầm cảm, lo lắng hay sa sút trí tuệ là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng mất ngủ.

2)- Rối loạn giấc ngủ do các bệnh lý nội khoa:

– Người cao tuổi thường dễ mắc phải các căn bệnh có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ gây rối loạn giấc ngủ, phổ biến nhất là các bệnh về đau xương khớp mạn tính , thoái hóa khớp, loãng xương , với các cơn đau nhức kéo dài dẫn đến khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc…

– Ngoài ra các bệnh như viêm phế quản mạn tính, ho kéo dài, hen suyễn; các bệnh về đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng, đầy bụng khó tiêu, tiểu nhiều về đêm do u xơ tiền liệt tuyến, bệnh tiểu đường, bệnh nội tiết như hội chứng cushing, cường tuyến giáp trạng… cũng dẫn đến mất ngủ, khó ngủ.

– Một nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến giấc ngủ của người lớn tuổi ở Singapore đã chứng minh rằng những người có vấn đề giấc ngủ thường có bệnh lý đi kèm và ít vận động. Các bệnh này gồm: Parkinson, Alzheimer, đau mãn tính, bệnh về tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, rối loạn đi tiểu…

– Ở người trung niên và cao tuổi, trầm cảm là nguyên nhân gây mất ngủ, đặc biệt là lúc gần sáng. Tình trạng lo âu mãn tính kéo dài, những cơn ác mộng xảy ra trong giấc ngủ nhanh, tình trạng không vận động thể lực, không tập thể dục hay chơi thể thao, người lao động trí óc không chú ý đến rèn luyện thân thể…

– Tình trạng đảo lộn giấc ngủ hay gặp ở người cao tuổi do rối loạn chức năng hoạt động tại não trong quá trình lão hóa hoặc xảy ra sau tai biến mạch máu não hoặc một cơn bệnh nặng , gây ra những cơn ngủ vùi bất chợt vào ban ngày nhưng lại thức giấc trằn trọc cả đêm .

3)- Rối loạn giấc ngủ do dùng thuốc : Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, như là :

  • Thuốc lợi tiểu cho người bị cao huyết áp hoặc tăng nhãn áp.
  • Thuốc kháng cholinergic dùng cho những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Thuốc hạ áp.
  • Corticosteroid (prednisone) dùng cho người bị viêm khớp dạng thấp.
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc ức chế histamin trên thụ thể H2 – ví dụ: Zantac hay Tagamet – dành cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc loét dạ dày tá tràng.
  • Thuốc levodopa điều trị Parkinson.
  • Thuốc adrenergic dùng trong tình trạng đe dọa tính mạng như hen suyễn hoặc tim ngừng đập.

4)- Những nguyên nhân khác như :

  • Do môi trường ô nhiễm tiếng ồn, không gian ngủ thiếu trong lành, thoáng mát hoặc nơi ở chật chội, nơi ở lạ chưa quen .
  • Do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý. Ăn uống không đủ chất, không đúng giờ, đặc biệt là thường xuyên uống rượu bia, các chất kích thích gây hưng phấn như cà phê, trà đặc, nước uống có ga , rượu hoặc dùng thuốc an thần lâu ngày khi ngưng thuốc đột ngột cũng gây mất ngủ.

Hậu quả rối loạn giấc ngủ :

  • Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng tới hoạt động nhận thức , gồm ghi nhận, hiểu sự việc, phán đoán và xử lý công việc, ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể, tới chất lượng cuộc sống của bản thân người lớn tuổi và với thân nhân, con cháu. Rối loạn giấc ngủ kéo dài làm suy giảm quá trình khôi phục sức khỏe , làm cho người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt nhọc, yếu đuối và có những triệu chứng khác như dễ cáu gắt, bần thần, chóng mặt, hay quên, bi quan, chán ăn, sa sút trí tuệ , gây ra suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn tâm thần, nếu kéo dài cần được xem xét như một yếu tố góp phần ý nghĩ tự sát.
  • Rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc ngủ không đủ giấc và thừa cân qua cơ chế giảm tỷ lệ trao đổi chất và ảnh hưởng đến việc sản xuất insulin, làm tăng cảm giác thèm ăn dẩn tới tăng cân

Khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

  • Điều trị để đưa giấc ngủ trở về bình thường bằng cách không cho người bệnh ngủ vào ban ngày. Nếu ban đêm không ngủ được, người bệnh có thể dùng thêm thuốc an thần, sau đó giảm liều an thần trong vài ngày đến vài tuần cho đến khi ngủ được bình thường thì ngưng thuốc an thần. Cần hỏi lời khuyên của bác sĩ để sử dụng thuốc an thần cho giấc ngủ, không sử dụng thuốc một cách bừa bãi.
  • Rèn luyện các hoạt động thể chất thường xuyên, cân bằng giữa hoạt động trí óc và thể chất. Tập thể dục, bắt đầu bài tập thường xuyên như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội có thể giúp ngủ nhanh hơn, giấc ngủ sâu hơn và ít thức giấc thường xuyên hơn trong đêm. Tuy nhiên cần tránh tập thể dục trong vòng một vài giờ trước khi đi ngủ.
  • Ngủ trong môi trường tuyệt đối yên tĩnh, không có ánh sáng. Bóng tối báo hiệu cơ thể giải phóng melatonin, trong khi ánh sáng ngăn chặn hormone ngủ tự nhiên này. Vì vậy hãy tắt đèn .
  • Kết hợp những yếu tố vật lý tạo điều kiện đi vào giấc ngủ dễ hơn như tiếng động đều đều, tiếng mưa rơi, tiếng lá xào xạc, tiếng hát ru, tiếng nhạc giao hưởng vv…
  • Tự giải tỏa xung đột, lo âu , ngưng ngay các ý nghĩ ám ảnh lo lắng thường ngày giúp thư giãn, nghỉ ngơi. Nếu thức giấc cũng chỉ vận động nhẹ nhàng, tăng tập luyện sức khỏe vào buổi sáng. Chủ động thư giãn, không suy nghĩ miên man, tập trung vào nhịp thở, đếm số 1 – 2 – 3 để tự gây ức chế vỏ não, dễ đi vào giấc ngủ.
  • Điều trị mất ngủ ở người lớn tuổi cũng cần điều trị các bệnh lý nội khoa kèm theo (bệnh tuyến giáp, bệnh hệ tiết niệu, bệnh tiểu đường và các rối loạn tâm thần), đây là những căn bệnh góp phần quan trọng vào nguyên nhân mất ngủ, nếu không điều trị những căn bệnh này thì không thể giải quyết hiệu quả bệnh mất ngủ.
  • Ăn uống hợp lý, cần kết thúc bữa ăn tối vài giờ trước khi đi ngủ, nếu cần bữa ăn nhẹ vào buổi tối, có thể ăn một ít đồ ăn dễ tiêu như: táo, sữa chua, ngũ cốc, sữa hoặc bánh mì nướng và mứt. Tránh xa các chất kích thích, tránh các đồ uống chứa caffeine (cà phê, nhiều loại trà, sô-cô-la và một số loại nước ngọt) sau 1 hoặc 2 giờ chiều hoặc hoàn toàn không dùng nếu bạn đặc biệt nhạy cảm với caffeine. Hạn chế uống rượu, không dùng hơn 1 ly/ngày, tốt nhất không uống ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Ngưng hút thuốc và tránh khói thuốc lá.
  • Nếu không thể tỉnh táo vào buổi chiều, người cao tuổi nên có một giấc ngủ trưa ngắn từ 15 – 20 phút, thời gian này là đủ dài để cải thiện sự tỉnh táo nhưng không quá dài để cảm thấy chệnh choạng sau đó.
  • Thiết lập một lịch ngủ khoa học, một lịch đi ngủ thường xuyên sẽ giúp đồng bộ hóa chu kỳ của giấc ngủ và thức giấc. Cần xác định ngủ trong bao lâu là tốt, đi ngủ mỗi đêm và thức dậy buổi sáng cùng một mốc giờ lặp lại hàng ngày. Tuân theo một lịch trình cố định, thức dậy và nghỉ ngơi vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào cuối tuần .
  • Làm cho phòng ngủ thành nơi riêng tư , trước khi ngủ, người cao tuổi nên ngồi thiền và đọc sách, giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh, giường nệm nằm thoải mái, sơn tường màu mát dịu.
  • Không nên xem đồng hồ, nhìn những phút trôi qua khiến người già khó khăn hơn để trở lại giấc ngủ. Hãy xoay mặt đồng hồ để không thể nhìn thấy nó. Tránh tiếng tích tắc nhàm chán của đồng hồ gây khó chịu lên thính lực .
  • Thiết lập một thói quen thư giãn trước khi ngủ, ngồi thiền, nghe nhạc thư giãn trước khi ngủ. Tránh các hoạt động có thể gây căng thẳng như bàn luận công việc hoặc thảo luận các vấn đề gay gắt. Không giải quyết các vấn đề quan trọng gần giờ ngủ. Thay vào đó, hãy tắm nước ấm, thiền hoặc đọc sách.
  • Hạn chế uống nước trước khi ngủ, giảm thiểu đi tiểu ban đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, không nên uống bất cứ loại nước gì trong 2 hoặc 3 giờ trước khi ngủ.
  • Trong thế giới ngày nay, việc ngủ nhiều đủ giấc có thể gặp nhiều cản trở, đặc biệt là khi các thiết bị điện tử – máy tính, TV, điện thoại di động, máy tính bảng. Nên tắt máy tính, điện thoại di động và TV ít nhất 1 giờ trước khi lên giường .

Tóm lại, giấc ngủ , cân nặng và các bệnh lý hậu quả liên quan đã được các nhà khoa học liên kết từ lâu. Các chuyên gia đồng ý rằng ngủ đủ giấc cũng quan trọng đối với sức khỏe, hạnh phúc và nỗ lực giảm cân của bạn, tương đương như chế độ ăn uống và tập thể dục. Cùng với việc kết hợp triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị, nhằm mang lại hiệu quả khám chữa bệnh tốt nhất.

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến, khiến bạn khó duy trì giấc ngủ ngon và thường xuyên khó ngủ. Theo các chuyên gia, người lớn tuổi nên áp dụng liệu pháp hành vi để chữa trị chứng rối loạn giấc ngủ thay vì sử dụng thuốc vì thuốc có nguy cơ gây ra vài tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như buồn nôn , chứng lệ thuộc thuốc , chứng trầm cảm nguy hiễm.

Nếu đã thay đổi thói quen sinh hoạt như trên mà kết quả vẫn không tiến triển, có thể đề nghị dùng thuốc. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng những loại thuốc ngủ không thay thế thói quen tốt cho giấc ngủ ./.

Trả lời

viTiếng Việt